11 ca nhiễm nCoV mới, ổ dịch nhóm tôn giáo có thể lên đến 500 người

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa thông báo thành phố tiếp tục có thêm ca nhiễm nCoV liên quan ổ dịch nhóm tôn giáo.

Sáng 1/6, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với TP.HCM về việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết tính đến 6h cùng ngày, thành phố phát hiện thêm 11 người nhiễm nCoV liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (địa chỉ sinh hoạt tại phường 3, quận Gò Vấp).

Ổ dịch nhóm tôn giáo có thể lên đến 500 bệnh nhân

Đối với ổ dịch này, cơ quan chức năng xác định có 3.028 người thuộc diện F1. Trong đó, 2.527 người có kết quả âm tính với nCoV, 415 trường hợp đang chờ kết quả. Dịch lan rộng 20/22 quận, huyện của thành phố.

Các quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh gồm Gò Vấp (52), quận 12 (23), Bình Thạnh (22), Tân Phú (22), Tân Bình (22). Lãnh đạo Sở Y tế đánh giá các quận trên thuộc nhóm địa phương có số dân và mật độ dân cư cao của thành phố. Đây là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.

“Chúng tôi đánh giá ổ dịch này có thể lên đến 500 người, hiện nay chúng ta còn số lượng lớn F1 đang được cách ly tập trung”, ông Bỉnh cho biết.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo tại cuộc họp sáng 1/6. Ảnh: HMC.

Lãnh đạo Sở Y tế thông tin thêm ban đầu, nhóm tôn giáo này khai báo có 20 thành viên. Qua điều tra, họ cho biết có 55 người. Trong đó, bà vợ mục sư có triệu chứng từ ngày 13/5. Đến 16/5, họ bắt đầu sinh hoạt. Ổ dịch này có trên 70% người nhiễm xuất hiện triệu chứng lâm sàng rất rõ rệt.

Đặc biệt, một số đơn vị trở thành chùm ca bệnh lớn như Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN có 34 bệnh nhân. “Như vậy, ngoài việc lây nhiễm qua sinh hoạt tôn giáo, sự lây nhiễm tại môi trường làm việc rất cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm”, ông Bỉnh nhận định.

Ngoài xuất hiện trong khu công nghiệp, công ty, tòa nhà văn phòng, dịch còn bùng phát trong trường học, quán cà phê, tiệm bánh.

Theo đánh giá của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thành phố đang phải chịu đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Tổng số bệnh nhân mới tính từ ngày 27/5 đến nay là 211 người (Bộ Y tế đã công bố 200 ca).

Nguy cơ đối với các khu công nghiệp

Báo cáo của Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho thấy thành phố đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong 3 khu công nghiệp gồm Tân Bình, Tây Bắc Củ Chi và Vĩnh Lộc – Hóc Môn.

Đồng thời, tối 30/5, một người được phát hiện dương tính với nCoV tại Long An là nhân viên làm việc ở Công ty TNHH Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức). Công ty này có 1.082 người lao động. Cơ quan chức năng đã xác định 146 nhân viên thuộc diện F1. Số công nhân viên còn lại sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Công ty ngưng hoạt động lúc 22h ngày 30/5.

Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có địa chỉ sinh hoạt tại phường 3, quận Gò Vấp trong khu vực có diện tích khoảng 50 m2. Ảnh: Chí Hùng.

Ngoài ra, một số hội viên nhóm tôn giáo này cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp. Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc từ người lao động vào nhà máy, xí nghiệp.

“Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể, tập trung rất đông người trong các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng”, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đánh giá.

Hiện tại, chủng virus lan nhanh, mạnh, chỉ 2-3 ngày dịch trải qua một chu kỳ lây nhiễm. Vì vậy, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thành phố là rất cao, thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận.

Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 208 ca nhiễm nCoV. Dịch hình thành nhiều chuỗi lây nhiễm, gồm một ca bệnh liên quan Hà Nam, 2 bệnh nhân tại TP Thủ Đức – quận 7, các bệnh nhân trong chùm ca bệnh gia đình bán bánh canh O Thanh (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) và 211 ca bệnh liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.