Sân golf Ba Vì: Đặt lại câu hỏi "Có cần không"?

ThienNhien.Net – Thu hồi đất lúa để phát triển ồ ạt sân golf trong những năm vừa qua đang trở thành vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội. Mới đây, UBND TP. Hà Nội lại có quyết định thu hồi hơn 100ha đất của Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh bò đông lạnh Môn-ca-đa và Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng (Ba Vì) để xây dựng sân golf, biệt thự, khách sạn…. Việc thực hiện dự án này đã vấp phải sự phản ứng từ nhiều phía, làm nóng nghị trường phiên chất vấn các thành viên Chính phủ của Quốc hội, ngày 11-12/06 vừa qua. Và rất nhiều những bất cập, tồn tại về câu chuyện sân golf đã được các Đại biểu nêu ra.

Kêu cứu vì …sân golf

Thông báo “cần có kế hoạch di chuyển đến địa điểm mới để xây dựng sân golf, resort vui chơi giải trí” của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) không chỉ gây bất bình dối với riêng hai cơ sở nghiên cứu khoa học là Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh bò đông lạnh Môn-ca-đa và Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng (Ba Vì) mà còn tạo ra nhiều ý kiến bất đồng trong xã hội, đặc biệt là các ý kiến phản ứng của các đại biểu Quốc hội.

Xét về mặt khoa học, hai trung tâm này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng là một cơ sở nghiên cứu và giữ nhiều nguồn gen quý của nước ta, đồng thời cũng thu nhập rất nhiều giồng quý của thế giới tại đây. Do đó, không dễ gì có thể di chuyển số lượng lớn các cây lâu năm đi nơi khác.

Còn đối với Trạm nghiên cứu tinh bò đông lạnh Môn-ca-da, được thành lập từ năm 1970 trên cơ sở hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Cu Ba, với sự đầu tư công nghệ cao của Nhật Bản và Thế giới. Hiện nay, trạm được đánh giá là hàng đầu trong khu vực về công nghệ sản xuất tinh bò, tham gia cải tạo đàn bò vàng Việt Nam cũng như bò sữa – mang lại lợi nhuận 780 tỷ mỗi năm cho 4 triệu nông dân ở 63 tỉnh, thành. Trước đây khi chọn địa điểm đặt trạm nghiên cứu, người ta nghĩ rằng, chọn một nơi cách Hà Nội 70km để không bị xâm phạm đến và còn phải bảo vệ vành đai an toàn sinh học. Thế mà, giờ đây cái trạm nghiên cứu này đang đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ.

Bức xúc trước vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) nói: “Việc làm khu công nghiệp, khu chế xuất đã chiếm hết đất bờ xôi ruộng mật, giờ thậm chí còn định xoá bỏ cả Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn-ca-da thuộc Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương để làm sân golf?”

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) nghi ngại: “Cả thế giới mới có 2.500 sân golf, trung bình mỗi quốc gia chỉ có 14 sân golf, nhưng riêng Việt Nam đã có tới 166 dự án sân golf – nhiều gấp 10 lần thế giới về mật độ. Vậy 50 sân golf dự kiến giảm đi có may mắn rơi vào khu vực này không? Tôi ngạc nhiên là cả một khu vực tại đấy làm 3 sân golf mà lại bỏ đi 2 trung tâm nghiên cứu khoa học quan trọng như vậy. Đầu tư cho khoa học là một đầu tư rất có hiệu quả khi nó thành công, ở đây đang thành công. Cho nên, xin đề nghị không nên lấy 2 trung tâm này đi, nhất là khi chúng ta có Nghị quyết về “tam nông” rất quan trọng.”

Đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu tỉnh Bình Thuận cũng lên tiếng báo động về tình trạng này và nhất trí quan điểm nên duy trì Trạm nghiên cứu Môn-ca-da – nơi duy nhất trong nước sản xuất tinh bò đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cũng trong phiên chất vấn, hai đại biểu của Thái Bình và Hà Nội đều có chung nhận định rằng cần kiểm soát lại hệ thống sân golf. Tại kỳ họp Quốc hội cách đây 1 năm, Việt Nam có 139 dự án sân golf, đến nay con số này đã là 166. Liệu phát triển sân golf có quá lạm dụng, trong khi đó hàng ngàn nông dân đang không có ruộng để sản xuất?

Dù đã được cảnh báo nhiều nhưng phải chăng sân golf vẫn còn là “con mồi béo bở” nên nhiều nơi vẫn muốn giữ, phát triển đến mức chiếm hết đất của nông dân thì quay sang thu hồi các trạm nghiên cứu, trung tâm.


Trại bò Môn-ca-đa đang bị đe dọa biến thành sân golf. (Ảnh: Nông Nghiệp Việt Nam)

Không để sân golf xóa sổ trại bò

Trước các ý kiến phản ứng cúa Đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn ngày 11/06, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) – Cao Đức Phát đã khẳng định, không để sân golf xóa sổ trại bò giống duy nhất tại Việt Nam.

Ngay sau khi có thông tin trên, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Thủ tường Chính phủ, khẳng định tỉnh Hà Tây (cũ) buộc Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh bò đông lạnh Môn-ca-da di dời để “nhường chỗ” cho dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên là chưa phù hợp với quy hoạch chung, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà cụ thể ở đây là giống chăn nuôi, và kiến nghị giữ lại Trạm nghiên cứu này.

Hứa trước toàn thể các đại biểu quốc hội, Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên nói: “Tới đây Bộ sẽ kiểm tra dự án phát triển 3 sân golf ở Ba Vì, với tinh thần là phải giữ bằng được 2 trung tâm nghiên cứu trên. Chỉ có điều, thẩm quyền cấp sân golf thuộc địa phương, không phải thuộc Bộ và lại chưa có tiêu chí về diện tích, quy mô của sân golf.”

Chia sẻ với Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư – Võ Hồng Phúc khẳng định: “chúng ta không thể biến các trung tâm nghiên cứu khoa học thành sân golf. Vì Bộ không có quyền đình chỉ dự án, chỉ kiểm tra, kiến nghị, quyền quyết định là của địa phương.”

Cũng mới đây, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã dẫn đầu đoàn công tác thành phố, với sự tham gia của Bộ NN&PTNT, khảo sát và làm việc các ngành, đơn vị chức năng có liên quan tới Dự án sân golf ở Khu du lịch quốc tế Tản Viên (Ba Vì), và đã khẳng định, sẽ không lấy đất trại bò Môn-ca-da làm sân golf.

Nói như vậy, tinh thần “không để sân golf xóa sổ trại bò” của các vị Bộ trưởng mới chỉ là khẩu lệnh, còn thực tế ra sao thì còn phải chờ quyết định của địa phương. Và số mệnh của 2 trung tâm nghiên cứu vẫn là một dấu hỏi lơ lửng?

Có thể nhận thấy, ngay tại Ba Vì, cách khu Suối Hai không xa là sân golf Đồng Mô. Đó là chưa kể tại địa phận Hoà Bình, giáp ranh với Hà Nội, đã có sân golf Phượng Hoàng rộng 300ha. Vậy có cần thiết phải phát triển sân golf ở đây, khi có hàng loạt trung tâm có vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp của nước ta?

Bao giờ có quy hoạch sân golf?

Năm 1920, lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện sân golf 9 lỗ được xây dựng ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Đến nay, nước ta có 18 sân golf đang hoạt động, hơn 140 dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf đã được cấp phép hoặc có chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện ở 38 tỉnh, thành phố. Chỉ riêng 2 năm gần đây (2006 – 2008) có thêm 106 dự án sân golf, tăng 13 lần so với 16 năm trước. Sự phát triển nhanh chóng của sân golf đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.


Sân golf Đồi cù (Đà Lạt ) – sân golf 9 lỗ đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh : Lưu Nhật Huy)

Trước ý kiến của các đại biểu về thực trạng các dự án sân golf được cấp phép ồ ạt và phần lớn số dự án đó là trá hình để kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Phạm Khôi Nguyên cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Võ Hồng Phúc trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 12/06, đã giải thích đó là do phân cấp về cho địa phương, cả nước chưa có quy hoạch tổng thể phát triển sân golf.

Theo Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên, kể từ khi Luật đầu tư có hiệu lực từ 01/07/2006, việc cấp phép các dự án nói chung trong đó có sân golf phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong vòng 3 năm, từ tháng 07/2006 đến nay, số lượng dự án các tỉnh cấp lên gấp 3 lần so với số lượng dự án mà trung ương cấp trong vòng 4 năm. Tại sao lại xảy ra điều đó? Vì theo lý giải của các trước đây, Trung ương cấp thì quy trình làm rất cẩn thận, sau khi Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đều lấy ý kiến của các bộ ngành và đều thành lập các hội đồng thẩm định”, Bộ trưởng giải thích.

Việc hình thành hệ thống sân golf hiện nay được đánh giá là tự phát, phần lớn phụ thuộc vào sáng kiến của các nhà đầu tư. Với một dự án sân golf được triển khai thì có đến hàng trăm hộ dân phải mất đất canh tác và buộc di cư đến vùng khác để sinh sống. Nước tưới, phân hoá học, thuốc trừ sâu được sử dụng ở sân golf ảnh hưởng đến nguồn và chất lượng nước của địa phương.

TS. Lê Trọng Bình, Trưởng khoa Quản lý đô thị (Học viện Cán bộ Xây dựng và Đô thị) cũng cho rằng, việc phát triển sân golf Việt Nam thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn và cơ chế đồng bộ về quản lý quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng, kinh doanh dịch vụ. Bất cập thứ hai là thực trạng chồng chéo, thiếu cơ chế phối hợp đa ngành trong quản lý phát triển đối với các dự án sân golf.

Trước các ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên lý giải, hiện nay cả nước chưa có một quy hoạch tổng thể nào về sân golf nên cũng chưa có quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất. Đến thời điểm này cũng chưa có một tiêu chí nào để hướng dẫn về các sân golf. Trước tình hình đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra tổng thể và kiến nghị với Chính phủ sớm hoàn thành quy hoạch về phát triển sân golf, xác định số sân golf cho giai đoạn 2020 tiến đến 2030. Trên cơ sở quy hoạch đó, sẽ tiến hành rà soát lại các dự án sân golf hiện có.

Bản quy hoạch chính thức khi nào được ra mắt, các tiêu chuẩn môi trường quy định cho các sân golf bao giờ hoàn thành? Hẳn từ nay tới thời điểm đó, còn nhiều vấn đề phải bàn tiếp.

Có thể nói, tất cả các dự án phát triển kinh tế – xã hội đều có thể mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng nếu nó được thực hiện phù hợp. Các dự án phát triển sân golf cũng vậy – bản thân nó không có lỗi, lỗi ở con người và cung cách quản lý.