Bô-xít: Vấn đề môi trường trên diễn đàn Quốc hội

ThienNhien.Net – Chương trình khai thác bô-xít Tây Nguyên được Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 167/2007/QĐ-TTg, ngày 01/11/2007. Trong suốt thời gian qua, các dự án trong chương trình này đã trở thành tâm điểm của dư luận, với nhiều ý kiến chuyên gia quan ngại về nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên và an ninh quốc phòng, xã hội. Đến kỳ họp thứ 5 này của Quốc hội khóa XII, các dự án đã được đưa ra bàn thảo. Những lo lắng về tác động tiêu cực lên môi trường đã được nhiều đại biểu đề cập trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 26 và 27/5 vừa qua.

Từ những quan ngại của công luận và giới khoa học ….

Những quan ngại về tác động môi trường của các dự án khai thác bô-xít đã được các nhà khoa học Việt Nam ở cả trong và ngoài nước phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong số đó có cả những người đã và đang làm việc trong lĩnh vực khai khoáng ở ngay Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, ở Pháp, Úc, Ca-na-đa, Mỹ, …

Trên các diễn đàn chính thức ở trong nước, những rủi ro môi trường tiềm tàng trong các dự án này cũng đã được đề cập trong Hội thảo khoa học “Tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác và chế biến quặng bô-xít, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ” do UBND tỉnh Đăk Nông phối hợp với Viện Tư vấn Phát triển (CODE) và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức trong hai ngày 22 và 23/10/2008.

Ngày 31/3/2009, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo đóng góp ý kiến về quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít tại Tây Nguyên. Trong hội thảo này, VUSTA cho rằng Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm để thực hiện điều này.

Gần đây nhất, ngày 9/4/2009, hội thảo khoa học về các dự án bô-xít Tây Nguyên đã được tổ chức tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.

Ngày 22/5/2009, sau khi kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XII khai mạc hai ngày, Chính phủ đã có báo cáo số 91/BC-CP gửi Quốc hội về việc triển khai các dự án bô-xít. Trong báo cáo này, vấn đề tác động môi trường của các dự án bô-xít được đánh giá là “có nhiều ý kiến góp ý bày tỏ sự lo ngại và quan tâm lớn”.

… đến băn khoăn trên diễn đàn Quốc hội

Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 26/5 và sáng 27/5, nhiều đại biểu nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội coi đây là công trình quan trọng quốc gia để thẩm tra, xem xét rồi quyết định, không nên quyết định vội vàng. Bên cạnh các yếu tố kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, tác động tiềm tàng lên môi trường sinh thái khu vực Tây Nguyên (và cả Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ) cũng là lo lắng trong các phát biểu.

Báo cáo của Chính phủ về Dự án bô xít Tây nguyên nêu quan điểm phát triển rằng, việc thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên bô-xít phải đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp việc phát triển kinh tế – xã hội với việc bảo vệ an ninh, quốc phòng tại các địa bàn có khoáng sản bô-xít, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) chưa yên tâm: “Là đại biểu Tây Nguyên, tôi mong các vị lãnh đạo Nhà nước đề nghị xem xét cẩn trọng các khía cạnh về an toàn chính trị, an toàn môi sinh và an sinh xã hội khi tiến hành khai thác bô-xít ở Tây Nguyên”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng báo cáo này chưa giải đáp được ba vấn đề mà nhân dân quan tâm. Đó là hiệu quả kinh tế, tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đặc biệt về môi trường, báo cáo của Chính phủ cho biết sẽ xây các hồ chứa nước trên Tây Nguyên vì sau đó nước cũng sẽ chảy xuống Đồng Nai rồi ra biển, nhưng hiện nay đồng bằng Nam Bộ đang khát nước, trong khi đó lượng nước của sông Mê Kông đang giảm xuống, nếu xây các hồ, đập như vậy thì liệu có ảnh hưởng đến đồng bằng Nam Bộ không. Ngoài ra, với lượng Alumin sản xuất ra thì mỗi năm thải ra 10 triệu tấn bùn đỏ và tới cuối dự án này sẽ thải ra 1,5 tỷ tấn. Đấy là những quả “bom bùn” treo trên cao, đe dọa đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Đồng tình với GS. Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) phát biểu: “Qua nghiên cứu Kết luận của Bộ Chính trị, Báo cáo của Chính phủ về dự án bô-xít, tôi hoàn toàn đồng tình, chúng ta có tài nguyên chúng ta cần khai thác, nhưng khai thác như thế nào, lúc nào khai thác, công nghệ ra sao, những biện pháp tiếp theo và vấn đề pháp lý của nó thì xin được bàn bạc thật kỹ”.

Bên cạnh những băn khoăn về hiệu quả đầu tư và minh bạch thông tin của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) cũng tán đồng ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về việc đưa các dự án bô-xít ra thảo luận và thông qua tại Quốc hội.

Cũng trong luồng ý kiến trăn trở, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phản biện: “Ngoài bô-xít thì Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng khác, bô-xít không phải là duy nhất. Và vì sao một chủ trương lớn như thế, quan trọng như thế có thể làm thay đổi Tây Nguyên như thế và đã được chuẩn bị lâu như thế mà đến lúc này Quốc hội mới có cơ hội bàn đến?”


Video: Phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc tại hội trường. Nguồn: YouTube.

Theo đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên): “đối với các địa phương rất cần các dự án đầu tư, nhưng việc triển khai làm sao đúng thẩm quyền và triển khai công khai, dân chủ, lấy ý kiến của nhân dân đối với những dự án lớn. Nếu chúng ta làm như thời gian vừa qua thì dự án bô-xit Tây Nguyên cũng như là ở Phú Yên các dự án đặc khu kinh tế của Tập đoàn Sama Dubai thì hiện nay cũng còn có nhiều dư luận và nhiều ý kiến khác nhau”.

Theo một số đại biểu, báo cáo của Chính phủ chưa đáp ứng được các vấn đề đại biểu mong muốn. Vấn đề xử lý tác động môi trường còn rất chung chung, chỉ nêu với trình độ công nghệ hiện đại hiện nay đảm bảo khắc phục được các tác hại môi trường, xử lý được vấn đề chất thải nguy hại. Thế nhưng, xử lý được là xử lý như thế nào lại không nêu rõ.

“Không vì môi trường mà không khai thác”

Bên cạnh những băn khoăn, lo lắng, các đại biểu từ Lâm Đồng và Đăk Nông lại khá lạc quan hơn.

Theo đại biểu Lê Thanh Phong (Lâm Đồng): “Tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, quan điểm của tỉnh là không vì vấn đề môi trường mà không khai thác tiềm năng tài nguyên của địa phương để phát triển kinh tế”. Nhưng cũng không vì mục tiêu phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng mà không đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Tổ hợp Bô-xit Tân Rai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ việc thực hiện của chủ đầu tư đúng như quy định.

Đại biểu Điểu K`Ré (Đắk Nông) nhận xét rằng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về Dự án bô-xít khá đầy đủ và chi tiết. Những băn khoăn về việc triển khai các dự án bô-xít sẽ không an toàn cho môi trường đã được giải đáp trong Thông báo số 245 ngày 24/04/2009 của Bộ Chính trị. Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, tìm ra các giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng đến thẩm định kỹ thuật của bùn đỏ đối với dự án Tân Rai và Nhân Cơ, bảo đảm an toàn lâu dài cho môi trường. Ông cũng nêu mong muốn cử tri cả nước ủng hộ chủ trương triển khai các dự án bô-xít “góp phần phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên nói riêng, phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi giám sát chặt chẽ, phát triển khai thác bôxit sản xuất Alumin nhôm Nhân Cơ”.

Khai thac boxit
Khai thác bô-xít tại Cộng hòa Đô-mi-ni-ca. Ảnh: www.sierrabauxite.com

Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong phiên họp sáng 27/5, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên, đại biểu Hà Nội, cũng đã dành phần lớn thời gian làm rõ thêm về trách nhiệm của Bộ TNMT trong việc giải quyết vấn đề môi trường trong dự án khai thác bô xít. Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ đã thẩm định và đánh giá Báo cáo tác động môi trường rất chặt chẽ và đã có những yêu cầu bổ sung cần thiết đối với TKV.

Song ông cũng nhận xét: “Với những vấn đề về hoàn thổ, vấn đề về bùn đỏ, trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã duyệt rất kỹ, nhưng để có triển khai thực hiện tốt hay không là việc thực thi ở ngoài cuộc sống, tôi cho rằng đấy là vấn đề hết sức quan trọng, chính vì vậy sau đây sẽ có ba việc phải làm tiếp.” “Ba việc” mà bộ trưởng đề cập gồm: Yêu cầu TKV tính toán lại vốn đầu tư, trong đó bao gồm việc đáp ứng những yêu cầu ngặt nghèo, khắt khe mà Bộ đã bổ sung; Bộ thành lập một tổ giám sát tất cả các hạng mục công trình, ngay từ khâu đầu tiên và can thiệp ngay khi cần thiết.

Tuy nhiên, không rõ ông Phạm Khôi Nguyên trình bày ý kiến với vai trò là bộ trưởng hay vai trò là đại biểu Quốc hội trong trường hợp này. Bởi nếu là đại biểu, rõ ràng ý kiến của ông lại thay mặt cho cơ quan ông đang làm việc là Bộ TNMT chứ không phải cử tri thành phố Hà Nội – nơi ông đại diện.

Lo lắng về môi trường và mục tiêu phát triển bền vững

Những lo lắng của nhiều đại biểu QH, cử tri, các nhà khoa học, trí thức … về nguy cơ môi trường đối với các dự án bô-xít là hoàn toàn có cơ sở. Với thực tế năng lực hiện tại của các cơ quan quản lý môi trường cũng như khả năng thực thi pháp luật còn nhiều bất cập, việc đảm bảo kiểm soát các biến cố môi trường là một câu hỏi lớn. Trong khi thực trạng môi trường đô thị, môi trường công nghiệp đã và đang nhức nhối ngay ở các đô thị lớn, khi các vụ việc như ô nhiễm ở nhà máy đóng tàu Huyndai-Vinashin và công ty Vedan vẫn còn gặp nhiều lúng túng trong hướng giải quyết, khi hầu hết các con sông ở Việt Nam đều đang và sắp chết, rừng bị tàn phá hàng ngày … thì người dân chắc chắn sẽ vẫn còn chưa thể yên tâm.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ TNMT đã cố gắng trấn an cử tri và các đại biểu, thế nhưng, trong bản thân quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường vẫn còn khá nhiều lỗ hổng. Phải nói rằng nhiều hệ lụy môi trường hiện nay có nguồn gốc từ nguyên nhân quy trình “sàng lọc” và “giảm thiểu tác động” trong ĐTM đối với các dự án phát triển đã bị coi nhẹ hoặc không được tôn trọng. Việc đảm bảo xử lý hoàn toàn các tác động môi trường đối với các dự án bô-xít là khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Đối với các dự án bô-xít, Quốc hội chắc chắn không phải là cơ quan có đầy đủ chuyên môn cần thiết để tiến hành thẩm định. Với những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành, Quốc hội có thể mời những người có chuyên môn sâu trình bày và lý giải vấn đề với tư cách độc lập. Chắc chắn rằng, với những dự án hệ trọng như bô-xít, nhiều nhà khoa học uy tín sẵn lòng đứng ra tư vấn chuyên môn.

Trong phần tổng hợp ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, mặc dù không đề cập trực tiếp đến các trao đổi về khai thác bô-xít, ông nhấn mạnh khía cạnh phát triển bền vững: “Các đại biểu Quốc hội lưu ý phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo đảm môi trường là ba trụ cột của phát triển bền vững. Vì vậy mọi quyết định đầu tư phải có tầm nhìn tổng thể kết hợp chặt chẽ hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo đảm môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, yêu cầu an ninh, quốc phòng trước mắt và lâu dài”.

Với những băn khoăn và lo lắng về khía cạnh môi trường, cũng như ý kiến khác nhau liên quan đến các dự án bô-xít, mong rằng Quốc hội sẽ cân nhắc khả năng đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Bên cạnh đó, cần triển khai các nghiên cứu, đánh giá cần thiết và tiếp tục thảo luận để đưa ra quyết định đúng đắn cho chương trình khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.