WHO cảnh báo nguy cơ ô nhiễm hóa chất

ThienNhien.Net – Trong bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về Quản lý Hoá chất lần thứ hai (ICCM2) ngày 13/05/2009, Tố chức Y tế Thế giới đã cảnh báo, việc sử dụng hóa chất ở những nước đang phát triển ngày càng gây ra nhiều nguy hiểm.

Bài phát biểu cho biết: “Ngành y tế đang phải đối mặt với những vai trò và trách nhiệm mới do tình hình sản xuất và sử dụng hóa chất gia tăng ở những nước đang phát triển cũng như ở những nền kinh tế đang chuyển biến. Vai trò và trách nhiệm này bao gồm sự cần thiết phải đánh giá nguy cơ và đương đầu với những ảnh hưởng của chất độc hóa học lên sức khỏe con người”.

Theo bài phát biểu này, việc sản xuất và sử dụng hóa chất đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở những nơi mà việc sản xuất, gia công và sử dụng chúng gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế. Sự xuất hiện của những hóa chất mới đòi hỏi ngành y tế mở rộng vai trò và trách nhiệm truyền thống của mình.

Trong những vụ việc liên quan tới hóa chất gần đây, bài phát biểu đề cập đến vụ ngộ độc natri bromua ở Angola tháng 3/2008 đã khiến 467 người bị phơi nhiễm. Tháng 2/2009, 18 trẻ em Senegal tử vong khi một vùng ở Thiaroye sur Mer thuộc Dakar bị ô nhiễm chì do tái chế pin. Năm 2006, rác thải độc hại ở bờ biển Ivory đã khiến 8 người thiệt mạng và khoảng 85 000 người phải thăm khám y tế.

Tuy nhiên, theo bài phát biểu, những sự kiện này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Tháng 12, 2005, Kỷ yếu WHO (WHO Bulletin) đã liệt kê những cái gọi là “những vụ việc về hóa chất nằm trong mối quan tâm tiềm tàng quốc tế” đề cập đến các sự kiện trong khoảng tháng 8/2002 và tháng 12/2003. Đã có 35 vụ việc như vậy trên 26 quốc gia. Ví dụ, riêng năm 2003 có thể kể đến một con số bất thường những trường hợp co cơ lạ kì ở một ngôi làng của Tazania, ô nhiễm đất và nước do với thuốc trừ sâu ở Somalia, và cả sự rò rỉ khí tự nhiên và hidro sunfua đã cướp đi 233  sinh mạng ở Trung Quốc.

Tác giả bản Kỷ yếu cho biết sự thiếu hụt số liệu toàn cầu về những sự kiện tương tự khiến việc lập kế hoạch đối phó tổng thể gặp nhiều khó khăn.

Bài phát biểu của WHO trong ICCM2 lần này kêu gọi nhiều sự tham gia hơn nữa của ngành y tế vào công việc thiết lập Phương án Chiến lược cho Quản lý Hóa chất Quốc tế (SAICM) dưới sự điều hành của ICCM.