Mô hình làng sinh thái tại Khu BTTN Phong Điền

ThienNhien.Net – Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh tiên phong trong việc hợp tác với cộng đồng địa phương quản lý rừng tự nhiên. Với những kết quả đáng khích lệ trong việc áp dụng kiến thức bản địa của người dân địa phương trong quản lý tài nguyên, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã mạnh dạn xây dựng thí điểm mô hình làng sinh thái lâm nghiệp tại một số xã vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Như đã xác định nguyên nhân của các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên trái phép gây ảnh hướng xấu đến môi trường hiện nay chủ yếu là do đời sống của người dân địa phương còn thấp, nhận thức của họ còn chưa cao, động lực để họ tham gia bảo vệ rừng còn hạn chế. Do đó, việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương là rất quan trọng hướng đến sự thành công của công tác quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, các hoạt động của cơ quan chức năng từ trước đến nay vẫn còn bó gọn trong hoạt động ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm mà chưa chú trọng thúc đẩy hành vi tích cực của cộng đồng địa phương. Mô hình làng sinh thái lâm nghiệp sẽ liên kết các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước đi đến một thỏa thuận cùng hợp tác để xây dựng các xã vùng đệm khu bảo tồn thành một làng sinh thái với một số tiêu chí như: i) sinh hoạt và sản xuất thân thiện với mô trường, ii) góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cùng sự phát triển nguồn tài nguyên, iii) ý thức và nâng cao hành vi bảo vệ và phát triển tài nguyên trong vùng.

Xác định thúc đẩy người dân tham gia là yếu tố quyết định đến sự thành công trong công tác quản lý tài nguyên rừng. Tuy nhiên muốn cộng đồng địa phương tham gia thì phải tạo ra những động lực vật chất hoặc tinh thần để họ cảm thấy quyền lợi khi tự giác tham gia. Để có được điều đó thì yếu tố vật chất không thể thiếu được trong quá trình thực hiện. Mô hình làng sinh thái lâm nghiệp được thực hiện không đề cao đến đầu tư cơ sở vật chất cho cộng đồng dân cư địa phương, tuy nhiên điều này cùng được ban quản lý mô hình xúc tiến để hỗ trợ cho họ.

Chính từ định hướng đó, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật và tài liệu liên quan, thì một phần kinh phí cũng được mua sắm trang thiết bị cho cộng đồng trong quá trình thực hiện. Định hướng chỉ hỗ trợ một phần và huy động nguồn chính từ phía cộng đồng địa phương đã thật sự lôi kéo họ tham gia và quản lý tốt các hoạt động của mô hình làng sinh thái.

Tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đã xác định một số nhóm định hướng thực hiện để khuyến khích người dân tham gia đồng thời tạo cơ hội cho chính họ nâng cao cuộc sống hiện nay với một số chủ đề chính như: tăng cường công tác giao đất lâm nghiệp với quyền lợi cụ thể, phát triển du lịch sinh thái trong vùng đệm của khu bảo tồn để từ đó có hướng hỗ trợ đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Công tác giao đất lâm nghiệp đang từng bước huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Rừng cộng đồng đã và đang được thực hiệu theo chiều hướng sâu rộng trong các xã vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Vấn đề khó khăn sau khi người dân nhận rừng chính là quyền hưởng lợi của họ trong khu vực rừng được giao. Chi cục Kiểm lâm đã đánh giá cao vấn đề này để rồi có chủ trương hỗ trợ cho cộng đồng những nơi đã nhận rừng thông qua hỗ trợ kiến thức, đầu tư cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy rừng, tạo vườn ươm cây giống để phát triển chất lượng rừng cũng như hỗ trợ cộng đồng trong tạo tính pháp lý để thực sự là chủ quản lý sử dụng rừng được giao.

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là loại hình được người dân địa phương chú trọng trong việc kết hợp bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, loại hình du lịch này gặp phải một số khó khăn như: cần đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa được nhiều khách hàng lựa chọn, khó khăn trong kết hợp hài hòa giữa bảo tồn tài nguyên và phát triển kinh tế.

Hơn thế nữa, việc phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại đây cũng là một vấn đề gây khó khăn khi thực hiện. Do đó, mô hình đã tiến hành đầu tư một số trang phục, vật dụng truyền thống như khèn, chiêng, áo quần thổ cẩm, xây nhà rông truyền thống, cũng như hỗ trợ phát triển vườn nhà, một số cơ sở cần thiết cho việc phát triển mô hình du lịch sinh thái.

Việc phối hợp các tổ chức cùng đầu tư và thực hiện một cách đồng bộ trong làng sinh thái là vấn đề cần được khắc phục hiện nay. Các nhà tài trợ đã và đang thực hiện độc lập nhau, đôi khi còn chồng chéo và mâu thuẫn nhau. Do đó, việc tạo ra một môi trường hợp tác giữa các nhà tài trợ này là một việc làm được ban quản lý mô hình làng sinh thái quan tâm.

Mô hình làng sinh thái lâm nghiệp là một hướng đi tất yếu và mong muốn của các nhà quản lý cũng như từ chính cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, kết quả đạt được ngang mức độ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất chính là sự tham gia nhiệt tình của chính cộng đồng địa phương.