Nhận diện những thách thức tiềm ẩn trong thu hút vốn FDI

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây.

Giải ngân vốn FDI ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có nhiều vấn đề Việt Nam cần phải lưu tâm trong thu hút vốn FDI, đặc biệt trong bối cảnh chiến lược FDI thế hệ mới đang được xây dựng nhằm đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước.

Ảnh minh họa

Gần nửa năm với thêm những kỷ lục

Theo đó, tính đến ngày 20/5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của khối FDI đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đó, cả nước có 1.363 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 6,46 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Có 505 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,63 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ và chiếm 45,7% tổng vốn đăng ký…

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm 71,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,138 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 864 triệu USD, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư.

Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,62 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,09 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư…

Vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức

Theo các chuyên gia kinh tế, xung lực thu hút FDI của Việt Nam thời gian tới sẽ vẫn được duy trì nhờ những những nỗ lực của Việt Nam kiên trì mở rộng hội nhập quốc tế, cam kết mạnh mẽ mở cửa thị trường, xóa bỏ các rào cản đầu tư, thương mại, thông qua những FTA thế hệ mới đã và bắt đầu có hiệu lực như CPTPP và EVFTA.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tác động đến tâm lý nhà đầu tư và có thể thúc đẩy xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các thị trường tiềm năng khác và Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh đó.

Thêm nữa, công cuộc đổi mới của Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, hướng vào cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, minh bạch hóa thủ tục hành chính, niềm tin của giới kinh doanh và nhà đầu tư ngày càng được củng cố nhờ các nỗ lực hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân của chính phủ kiến tạo.

Tuy nhiên, thực tiễn thu hút FDI trong hơn 30 năm qua cũng đặt ra nhiều vấn đề mà Việt Nam cần phải lưu tâm, đặc biệt trong bối cảnh chiến lược FDI thế hệ mới đang được xây dựng nhằm đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước.

Theo đó, thách thức đầu tiên là việc duy trì độ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư gắn với phát triển hài hòa và bảo vệ môi trường.

Sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong mấy thập kỷ qua, tuy nhiên đi liền với đó cũng làm gia tăng áp lực đối với môi trường.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Phạm Thiên Hoàng – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với dự báo tác động hầu hết đến mọi mặt kinh tế xã hội cũng sẽ tác động đến việc thu hút vốn FDI.

Theo nhận định của các chuyên gia, tốc độ phát triển như vũ bão của các thành tựu công nghệ và các ứng dụng thông minh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm mờ và làm suy yếu nhanh chóng độ hấp dẫn của các các yếu tố được coi là “lợi thế” trước giờ của Việt Nam với nhà đầu tư ngoại “lực lượng lao động giá rẻ” và “các ưu đãi hiện vật”.

Đó là chưa kể một kịch bản kém vui khác khi Việt Nam có thể đối mặt với khả năng dịch chuyển đầu tư trở lại cố quốc được hỗ trợ bởi quá trình chuyển đổi số hóa, chuyên biệt hóa, tự động hóa, kết hợp với trí tuệ nhân tạo cho phép thay thế lao động phổ thông giá rẻ với những lựa chọn kết hợp sử dụng nhân công và máy móc ngày càng tối ưu.

Ngoài ra, thách thức cũng được tạo ra từ những diễn biến khó lường về địa chính trị, đặc biệt là liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

Trong ngắn hạn Việt Nam có thể được lợi từ dòng đầu tư của Mỹ và Trung Quốc chuyển dịch đến nhưng lợi ích thu được từ tác động này có thể không nhiều do phải bù trừ với phần tác động tiêu cực do giảm xuất khẩu nếu cầu nhập khẩu của thế giới giảm sút.

Cuối cùng, theo chuyên gia Phạm Thiên Hoàng, Việt Nam cũng cần phải tính đến rủi ro trở thành điểm dịch chuyển các công nghệ lạc hậu của các nhà đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ”, đặc biệt là với dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Lộ trình thực hiện Chiến lược MIC 2025 của Trung Quốc tất yếu sẽ dẫn đến yêu cầu phải thay thế và đổi mới công nghệ, tạo áp lực đẩy các công nghệ lỗi thời sang các quốc gia kém phát triển hơn, đặc biệt là các nước láng giếng như Việt Nam.