Thành lập Diễn đàn Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa ĐBSCL

ThienNhien.Net – Nhằm thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình ra quyết định về quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên và văn hoá vì sự phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, Quỹ quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) có sáng kiến tổ chức Diễn đàn hàng năm về Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa ĐBSCL.

Ngoài mục tiêu trên, Diễn đàn Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa ĐBSCL còn nhằm bảo đảm sinh kế của người dân nông thôn, bảo tồn tính toàn vẹn của các hệ sinh thái đất ngập nước trong khu vực.

ĐBSCL là hạ nguồn của lưu vực sông Mê Kông, có tổng diện tích khoảng 3,9 triệu ha với một hệ thống kênh mương dày đặc kết nối giữa các nhánh sông. Đây là nơi sinh sống của 17 triệu người ở 13 tỉnh, thành phố ở phía Tây Nam của Việt Nam.

ĐBSCL có giá trị đặc biệt quan trọng về cả về đa dạng sinh học lẫn văn hóa tinh thần ở khu vực. Do nhu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ ở trong khu vực, đa dạng sinh học ở ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Suy giảm diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, mở rộng diện tích đất nông nghiệp, xâm nhập mặn, phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa. Trong khi đó công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên còn có nhiều hạn chế dẫn đến hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Ông Hoàng Việt, chuyên gia Bảo tồn Nước ngọt của WWF cho biết, trên thế giới, những sông quan trọng đều tổ chức Diễn đàn để tăng cường sự hợp tác và chia sẻ thông tin và các nguồn lực giữa các bên liên quan, như Diễn đàn sông Trường Giang, sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, Diễn đàn sông Đa-nuýp tại châu Âu, và bây giờ là Diễn đàn sông Cửu Long.

Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ và hợp tác tích cực của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Lãnh đạo các tỉnh, thành ở ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, Ủy Ban con người và sinh quyển của UNESCO, cũng như các nhà khoa học và môi trường.

Diễn đàn sẽ nhóm họp lần thứ nhất vào ngày Môi trường Thế giới 05/06 tới tại TP Cần Thơ. Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề môi trường và xã hội ở ĐBSCL, từ các giải pháp nhằm cải thiện sinh kế của người dân địa phương đến những chủ trương chính sách của Nhà nước, từ kiếm tìm các sáng kiến, giải pháp khả thi cho các vấn đề về bảo tồn thiên nhiên và văn hóa đến phản biện cho các chương trình/kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở ĐBSCL.

Để tạo một một diễn đàn dân chủ, công khai và có chất lượng cao, Ban tổ chức kêu gọi sự tham gia và đóng góp rộng rãi của các nhà lãnh đạo ở các tỉnh, thành phố, các nhà ra quyết định, các nhà khoa học, các nhà quản lý các khu bảo tồn/vườn quốc gia, người dân địa phương, và những cá nhân/tổ chức quan tâm đến sự phát triển bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long.