Cần sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Khu vực Tây Nguyên là nơi hình thành của 4 hệ thống sông lớn: sông Ba, Đồng Nai, Sê San và Srêpôc. Vào mùa mưa, nước mưa tập trung tạo nên dòng chảy mặt rất lớn. Do địa hình núi cao, sườn dốc, phần lớn lượng nước này không được lưu giữ lại được trong lưu vực sông mà đổ xuống hạ lưu. Ở trung và thượng lưu trên các sông nhánh, các suối nhỏ, nhất là ở khu vực tập trung trồng cây công nghiệp, có hàng trăm đập dâng nhỏ lấy nước tự nhiên để tưới. Người dân đặt nhiều bơm lấy nước trực tiếp của các suối cho tưới cà phê mà có rất ít các hồ chứa nhỏ tạo nguồn.

Vì thế đã làm cho phần lớn các nhánh suối nhỏ bị cạn kiệt nước trong các tháng mùa cạn, gây nên tình trạng hạn hán và khan hiếm nước cục bộ trên các nhánh, chi lưu…

Trong những năm gần đây, hoạt động kinh tế ở khu vực Tây Nguyên được gia tăng, trước hết là sản xuất nông nghiệp. Ngoài diện tích truyền thống trồng lúa, sắn, nhiều diện tích rừng được chuyển đổi để trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều (Chính phủ đang triển khai thực hiện phát triển 10 vạn ha cao su ở Tây Nguyên đến năm 2015). Điều đó gây sức ép mạnh mẽ cho việc cấp nước, đặc biệt trong giai đoạn mùa khô-cạn, từ tháng 1 đến tháng 4.

Trong điều kiện như vậy, để bảo đảm nước tưới, việc khai thác nước ngầm hiện đang được tiến hành rộng rãi ở nhiều nơi, dưới hình thức khai thác nước tập trung với qui mô vừa và lớn ở các đô thị hoặc khai thác bằng các giếng khoan của các hộ nông dân nhỏ lẻ gây sụt giảm nguồn nước ngầm. Chỉ tính riêng Đắc Lắc, với diện tích trồng cà phê lên đến 264. 000 ha, trong mùa khô cần khoảng 660 triệu m3, nhưng nước mặt chỉ đáp ứng được 250 triệu m3, còn lại phải khai thác nước ngầm để tưới. Do khai thác quá mức, mực nước ngầm nhiều nơi đã sụt giảm dẫn đến nguy cơ suy thoái lượng nước ngầm cũng như sụt lún đất.

Để quản lý, đảm bảo khai thác nước bền vững ở Tây Nguyên, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã thực hiện Dự án “Quản lý sử dụng nước ngầm ở Tây Nguyên, Việt Nam” nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách về nước ở tỉnh Đắc Lắc. Đây là một trong những dự án đầu tiên nghiên cứu để xây dựng phương pháp luận, phương pháp tính giá trị kinh tế của tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng nước. Dự án sẽ hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách về nước ở tỉnh Đăk Lắk; thực hiện các nghiên cứu ước tính giá trị kinh tế của việc cung cấp thêm nước cho các đối tượng sử dụng thuộc tỉnh…

Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, người dân nơi đây luôn nghĩ tưới nhiều nước, bón nhiều phân thì cây sẽ cho sản lượng cao nhưng thực tế nếu sử dụng nước và phân bón không hợp lý, quá mức cần thiết, cây không hấp thụ hết, ngấm xuống các tầng chứa nước không những sẽ tiêu tốn nhiều tiền của người dân mà còn tạo ra nguy cơ gây ô nhiễm nước dưới đất.

Để giải quyết bài toán tiết kiệm nước trong việc trồng lúa ở Tây Nguyên, các chuyên gia khuyến nghị các hộ dân nên áp dụng biện pháp tưới “ngập – không ngập” xen kẽ sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận hơn việc “canh tác ngập” thường xuyên như hiện nay. Kiểu canh tác “ngập – không ngập” cũng sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng nước nhưng đồng thời không tăng nguồn cung sẵn có trên cao nguyên bởi vì cách thức canh tác ngập nước hiện tại cũng giúp tái tạo lại các nguồn nước ngầm.