Khai thác thế mạnh của rừng đặc dụng, phòng hộ có tiềm năng

Đối với các khu rừng đặc dụng, phòng hộ có tiềm năng, cần thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện các giải pháp khai thác tiềm năng của rừng, phát triển lâm đặc sản, dược liệu dưới tán rừng; phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo các nguồn thu đầu tư trở lại bảo vệ rừng.

Cán bộ kiểm lâm đồng hành cùng người dân hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch, bảo vệ tài nguyên rừng. Ảnh: Đăng Thy.

Đó là một trong những đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) nhằm thực hiện hiệu quả việc quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ ở nước ta.

Theo thống kê, hiện nay, nước ta có 2,15 triệu ha rừng đặc dụng, chiếm gần 15%; rừng phòng hộ 4,6 triệu ha chiếm khoảng 31,8%. Đến nay cả nước đã thành lập 395 Ban Quản lý rừng (164 ban quản lý rừng đặc dụng; 231 ban quản lý rừng phòng hộ), quản lý khoảng 46,8% diện tích đất lâm nghiệp, đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, trên biển, đất ngập nước, trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh. Vì vậy, hệ sinh thái rừng đặc dụng, phòng hộ đóng vai trò hết sức quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ. Đồng thời, với sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn của các chủ rừng nên công tác quản lý rừng nói chung, rừng phòng hộ, đặc dụng nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Có thể kể đến như nâng cao độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Dù vậy, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, xu hướng suy thoái đa dạng sinh học do nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn còn xảy ra; kinh tế phát triển, dân số tăng cao tạo áp lực về đất ở, đất sản xuất không tránh khỏi tình trạng xâm lấn đất rừng. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đầu tư cho các ban quản lý rừng còn thiếu và yếu; chính sách đầu tư bảo vệ rừng đối với hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ còn một số bất cập chưa tương xứng với mục tiêu và nhiệm vụ…

Nhằm quản lý hiệu quả hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ trong thời gian tới, Bộ NNPTNT đề nghị cần thực hiện chủ trương xã hội hóa để thu hút, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng để phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, việc thu hút này cần theo đúng quy định của pháp luật, không làm tổn hại sinh thái rừng; bảo vệ môi trường sinh thái; không đánh đổi hiệu quả kinh tế với an ninh môi trường và thực hiện nghiêm việc kiểm soát chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Cùng với đó, củng cố hệ thống rừng đặc dụng quốc gia hiện có theo hướng nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học. Tập trung các dự án đầu tư phát triển, bảo vệ và phục hồi hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn ở khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và toàn bộ diện tích rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát ven biển. Đối với những khu vực rừng phòng hộ ngập mặn có nguồn lợi thủy sản là sinh kế của cư dân trong vùng, cần xác định cụ thể các khu vực, nơi cộng đồng cư dân địa phương được phép khai thác, nuôi trồng thuỷ sản để kết hợp phát triển kinh tế.

Đặc biệt, cần thực hiện việc quản lý, sử dụng môi trường rừng đặc dụng, phòng hộ theo tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam và quốc tế. Các ban quản lý khu rừng đặc dụng, phòng hộ từng bước tự chủ được về tài chính, thông qua tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái. Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 50% các khu rừng đặc dụng, phòng hộ tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, hàng năm thu hút tối thiểu từ 15-20% lượng khách du lịch tại Việt Nam.

Đối với các khu rừng đặc dụng, phòng hộ có tiềm năng, cần thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện các giải pháp khai thác tiềm năng của rừng, phát triển lâm đặc sản, dược liệu dưới tán rừng; phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo các nguồn thu đầu tư trở lại bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn nhân lực bảo vệ rừng chuyên trách cho các ban quản lý rừng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý, giám sát đa dạng sinh học đối với các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.