Thợ săn đô thị – mối đe doạ chính của khỉ hình người

ThienNhien.Net – Nghiên cứu của Hjamar Kuhl thuộc Viện Tiến hoá Nhân loại học Max Planck tại Leipzig (Đức) cùng các đồng nghiệp về mật độ các loài khỉ hình nhân gần nơi ở của con người cho thấy các thợ săn vì mục đích thương mại từ thị trấn gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đối với loài khỉ hình người hơn là các thợ săn địa phương vốn lấy việc săn bắn làm kế mưu sinh.
Càng gần đô thị càng bị thu hẹp

Nghiên cứu của ông Hjamar Kuhl và đồng nghiệp cho thấy số lượng các quần thể khỉ đột và tinh tinh sinh sống gần các thị trấn ở Gabon đã thu hẹp một nửa so với các làng khác. Đội nghiên cứu của Hjamar Kuhl đã tiến hành đếm số điểm cư trú còn lại của loài khỉ đột và tinh tinh tại Vườn quốc gia (VQG) Moukalaba Doudou thuộc vùng núi Gabon. Nghiên cứu cho thấy càng đến gần các thị trấn vùng ven VQG thì mật độ điểm cư trú của các loài này càng giảm dần.

Mặc dù các nhà khoa học vẫn tìm thấy một vài điểm cư trú của linh trưởng ở gần thị trấn, nhưng mật độ chỉ bằng một nửa so với bên trong VQG. Trái lại, họ phát hiện ra rằng ở các ngôi làng thì sự suy giảm không xảy ra. “Điều này cho thấy tác động từ thợ săn địa phương tới loài khỉ đột và tinh tinh là ít hơn so với thợ săn vì mục đích thương mại đến từ các đô thị”, ông Kühl nhận xét.

Trong tình cảnh chung vốn đã ảm đảm

Sự tồn tại của các băng nhóm vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) có tổ chức cho thấy việc săn bắn ở các đô thị thực sự mang tính thương mại và không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân sơ tại mà còn được cung cấp cho các thị trường bên ngoài, trong trường hợp nghiên cứu là thị trường Bắc Mỹ nơi nhập ĐVHD từ Gabon

Ông Kuhl cho biết hiện vẫn chưa xác định được mức độ nguy hiểm của việc săn bắn, buôn bán. Theo ông giải thích thì dự đoán ảnh hưởng của việc săn bắn các loài khỉ hình nhân này mới chỉ được nghiên cứu trong các chợ ở địa phương và thợ săn. Vì thế chúng ta biết rất ít về mức độ suy giảm của quần thể trong khu vực này: “Chúng ta khó có thể tìm thấy chúng được bày bán ở chợ, nhưng trên thực tế các loài động vật này vốn đã hiếm, lại sinh sản rất chậm nên dù mức độ săn bắn loài này có thấp thì hậu quả nó gây ra vẫn là nghiêm trọng.”

Trong nghiên cứu này, sự suy giảm loài tinh tinh và khỉ đột cho thấy quần thể các loài này đang suy giảm do nạn săn bắn. Khi nghiên cứu loài linh trưởng ở gần các làng nhỏ, các nhà khoa học không quan sát được hiện tượng tương tự, vì thế họ kết luận rằng người dân từ vùng quê hầu như không đưa ĐVHD tới bán ở đô thị mà chính những người dân đô thị mang về từ những cuộc đi săn.

Thách thức chính

Ông Kuhl cho biết, kết quả nghiên cứu trùng khớp với những gì chúng ta biết về nạn săn bắn vì mục đích thương mại. Hiện nay, những người giàu có có xu hướng tự tổ chức những cuộc đi săn. Chính vì thế, theo ông, nỗ lực bảo tồn các loài linh trưởng trong tương lai nên tập trung vào việc hạn chế và giám sát các phương tiện ra vào công viên. Ông cũng cho rằng sáng kiến giúp người dân địa phương có sinh kế thay thế cho việc săn bắn là cần thiết tuy rằng hiện chúng ít quan trọng hơn.

Marcus Rowcliffe, một chuyên gia nghiên cứu về buôn bán thịt động vật hoang dã quý hiếm tại Viện Đông vật học ở London cho biết hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về giải pháp chấm dứt nạn buôn bán loài linh trưởng vào trung tâm thành phố. Để có hệ thống kiếm soát hoạt động hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của chính phủ trong việc thúc đẩy thi hành luật và chống tham nhũng. Theo ông, đó là thách thức chính.