Đề xuất thu thuế sinh thái tại bán đảo Sơn Trà

Tại Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên tổ chức vào ngày 21-7 tại Đà Nẵng, PGS.TS Miki Yoshizumi đến từ Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) cho rằng, chính quyền TP nên tính đến việc thu thuế sinh thái tại bán đảo Sơn Trà. Đây là phương pháp tiềm năng nhằm kiểm soát sử dụng tài nguyên thiên nhiên dựa trên mô hình nguyên tắc người sử dụng trả tiền và nguyên tắc trả tiền cho phần gây ô nhiễm.

Các chuyên gia khuyến nghị Đà Nẵng cần thu thuế sinh thái trong hoạt động du lịch tại bán đảo Sơn Trà (Ảnh: Lê Hải Sơn)

Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn đa dạng  sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Trung tâm Con người và thiên nhiên cùng nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy môi trường và Tài nguyên sinh vật của Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng 150 nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện các sở, ngành của thành phố, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Miki Yoshizumi, cùng có vườn quốc gia tương tự như Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà của Đà Nẵng, chính quyền quần đảo Balearic của Tây Ban Nha đã ban hành quy định về thuế sinh thái, thu từ những du khách đến tham quan chỉ với 1 EUR/người để trang trải các hoạt động giảm thiểu thiệt hại về môi trường do ngành du lịch gây ra. Mô hình thuế sinh thái Balearic đầu tiên mang lại khoản ngân sách lên đến 45 triệu EUR/năm dù chỉ mới áp dụng riêng cho các khách sạn. Mô hình thuế sinh thái Balearic thứ hai được áp dụng vào năm 2016 được đánh giá là mang lại từ 60-70 triệu EUR/năm, khoản tiền này sẽ được chi cho các dự án du lịch bền vững của cả quần đảo. “Thuế sinh thái là phương pháp rất tiềm năng khi áp dụng tại bán đảo Sơn Trà”, bà Miki Yoshizumi đề xuất. Cùng chung quan điểm này, TS Bùi Minh nguyệt (Trường Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, nếu thu phí tham quan bán đảo Sơn Trà ở mức 50.000 đồng/người thì sẽ có ngân sách 60 tỷ đồng/năm để chi phí cho quá trình quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, đầu tư các giải pháp giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường. Bà Nguyệt cho rằng: “Cần xây dựng phương án thí điểm tổ chức, phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên thông qua việc thu phí vào cửa từ 50.000-100.000 đồng/lượt khách và cung cấp các gói dịch vụ du lịch chuyên biệt”.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học trong nước và quốc tế đã trao đổi các giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên như: động Phong Nha, hang Sơn Đoòng, Pù Mát, Lý Sơn, Cù lao Chàm, Yók Đôn… Theo GS Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trong những năm gần đây lượng khách du lịch tìm đến các vùng rừng núi, hang động tham quan ngày càng gia tăng. Song song với việc mang lại nguồn thu lớn thì hoạt động du lịch cũng gây áp lực lớn lên công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Trong bối cảnh đó, hội thảo là dịp để chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch tại các hệ sinh thái tự nhiên, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững, phù hợp với khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Qua đó tham vấn các ý kiến đóng góp về phát triển loại hình du lịch dựa vào tự nhiên, gắn liền với văn hóa bản địa, giáo dục môi trường, và đóng góp tích cực cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

Nguồn: