Khám phá Fansipan

ThienNhien.Net – Đỉnh Fansipan – cái tên nghe không còn xa lạ và cho đến nay, hẳn đã có rất nhiều người chinh phục được “Nóc nhà của Đông Dương”. Tuy nhiên, Fansipan ngoài vẻ đẹp, sự hùng vĩ của những dãy núi, nó còn ẩn chứa rất nhiều điều mà chúng ta chưa thể khám phá. Bởi, mỗi lần đến với thiên nhiên hoang dã nơi đây lại là một lần có thêm nhiều bất ngờ mới. Dưới đây, xin chia sẻ với mọi người cuộc hành trình gian khổ nhưng có nhiều khám phá thú vị nơi “Nóc nhà” này.

Vẫn như mọi lần, thành phố Sapa chìm trong làn sương mù bất tận và huyền ảo như cõi thần tiên. 
 
Những cơn mưa nặng hạt bất chợt rơi xuống rồi lại bất chợt ngưng như một chút gì giống với thời tiết đỏng đảnh của mùa mưa ở miền Đông Nam bộ. Có lẽ mùa này chiếc ô là một phần tất yếu của mỗi người, những chiếc ô nhiều màu sắc tạo thành một bức chấm phá sắc màu của đường phố. 
 
 Thỉnh thoảng một chút nắng bừng sáng rồi lại biến mất, cũng giống như những cơn mưa.
 
 Những cô gái H’mông sau một đêm mệt mỏi hành trình đi bộ xuống phố họ đang tụ tập nói chuyện với nhau và chuẩn bị bán những sản vật của núi rừng, những món quà lưu niệm cho du khách làm kỷ niệm. Một điều khá bất ngờ là có rất nhiều cô gái H’mông trẻ tuổi nói tiếng Anh một cách lưu loát và giọng rất chuẩn.
 
Bé gái này cùng mẹ vất vả cõng em xuống chợ chắc lần đầu được xuống phố vẻ mặt rất là háo hức. 
 
Chào nhé Sapa, để bắt đầu lên đường khám phá Fansipan. Hình ảnh của ngọn núi hùng vĩ được ghi nhận chỉ là một phần rất nhỏ. 
 
Dòng Thác Bạc như một nét chấm phá trong khung cảnh xanh ngát một màu xanh của núi rừng. 
Trạm Tôn đây rồi và những bước chân nhỏ bé bắt đầu làm việc cật lực. 
 
Không quên tranh thủ chụp một kiểu làm kỷ niệm cho những bước chân đầu tiên chinh phục “Nóc nhà Đông Dương”. 
 
Mùa này Fansipan là mùa mưa cũng là mùa của các loài lưỡng cư thức giấc sau một kỳ nghỉ đông dài để tìm kiếm thức ăn, giao phối và sinh sản. Với những người nghiên cứu Đa dạng sinh học thì thời gian này là thích hợp nhất cho việc nghiên cứu. Trên đường đi những bông hoa thuộc họ Viễn chí – Polygalaceae khoe sắc như những chiếc chuông màu hồng lung linh dưới những làn gió nhẹ. 
 
 Những bụi Trúc đen Phyllostachys nigra – loài thực vật được đưa vào sách đỏ Việt Nam cũng mọc khắp các lối đi. Ở đây chúng mọc khá nhiều nhưng có rất nhiều người chuyên ngành chưa một lần tận mắt nhìn thấy loài này.
 
 
 Vượt qua độ cao 1.900m là những dòng suối nhỏ và những khu rừng núi cao còn khá nguyên vẹn được bảo tồn bởi Vườn quốc gia Hoàng Liên.
 
 Thực vật gỗ lớn nơi đây đặc trưng là họ Giẻ – Fagaceae, Ngọc lan – Magnoliaceae và đặc biệt là gần 100 loài Đỗ quyên – Ericaceae được tìm thấy ở dãy núi này.
 
Dưới những tán rừng là bạt ngàn những cây Thảo quả Amomum aromaticum. Mùa này những bông Thảo quả vàng rực báo hiệu một mùa bội thu và những no ấm của người H’mông.
 
 Trên những cành cây cao tít là những loài hoa lan phụ sinh đua nở. Loài lan Thanh đạm Coelogyne fuscescens rực rỡ sắc cam, loài Lan hoàng thảo Dendobium sp. trắng xóa.
 
 Mùa này những loài đỗ quyên đua nhau khoe sắc cánh hoa rơi rụng hồng cả mặt đất
Loài Đỗ quyên Kloss Rhododendron klossii.
 
Loài Đỗ quyên đỏ Rhododendron sp. rực rỡ trên cây như muốn mời gọi mọi người dừng chân để ngắm nhìn những chùm hoa rực rỡ trong đám lá. 
 
 Còn đây là những cánh hoa mảnh mai trắng nõn, trinh nguyên của loài Đỗ quyên hoa trắng Rhododendron sp.
 
 Mặc dù càng lên cao độ dốc càng đứng, không khí loãng, nhưng phong cảnh đẹp hùng vĩ của Fansipan và chút nắng bất chợt đã làm tan biến những bước chân mệt mỏi nặng nề của chúng tôi.
 
 Trong một gốc cây nhỏ ở độ cao 2400m xuất hiện một chú Cóc tía Bombina maxima loài lưỡng cư này chỉ phân bố ở độ cao từ 2000 – 2600 m. Mặc dù đã chụp hàng trăm loài bò sát và lưỡng cư ở Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên may mắn tôi đã được nhìn thấy loài lưỡng cư được đưa vào Sách đỏ Việt Nam này trong tự nhiên.
 
Ở độ cao 2.500m những tấm hình này cho tôi một cảm giác buồn khó tả. Hầu như những cánh rừng nguyên sinh trên đoạn đường chúng tôi đi này bị tàn phá nặng nề, có thể do đồng bào dân tộc trước đây phá rừng làm rẫy. Hầu hết các loài thực vật thân gỗ chỉ còn là những khúc cháy lem nhem và loài Trúc lùn Bambusa sp. chiếm hầu hết các mảng rừng. 
 
Mặc dù quãng đường lên đến 2.800m còn khá dài và dốc đứng, những vách đá dựng đứng chúng tôi vẫn tiếp tục tiến lên. Trời đã về chiều. Những tia nắng cuối ngày vàng rực trải khắp núi rừng và con đường mòn còn hun hút lên cao.  
 
Trong vách núi, loài Hoa báo xuân sapa Primula chapaensis rực rỡ khoe sắc trong hốc đá ẩm ướt. Đây là loài đặc hữu chỉ có ở Fansipan và loài này được đưa vào sách đỏ Việt Nam. 
 
 
 Sâu trong một hốc đá khá tối, một màu hồng rực và một màu tím đậm hòa quyện vào nhau. Với con mắt nghề nghiệp của mình tôi đã thấy 2 loài phong lan (có thể đây là loài lan mọc ở độ cao nhất Việt Nam) Những bông hoa lan Cymbidium lancifolium (ảnh trên) và những bông hoa lan Pleione grandiflora (Ảnh dưới).
 
 
 Và hai loài đỗ quyên cực đẹp mà tôi chưa thể xác định nổi tên khoa học của chúng là gì. Xin được phép đặt tên Việt Nam cho chúng là Đỗ quyên hồng Rhododendron sp. và Đỗ quyên lùn lá nhỏ Rhododendron sp.
 
Cũng thật bất ngờ, trước mắt tôi là loài Hoàng liên ba gai Berberis wallichiana. Đây là loài cây thuốc cực kỳ quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam với những chùm hoa vàng khoe sắc. Đây lần đầu tiên loài này được chụp hình và cập nhật lên web sau hơn 10 năm chưa một lần gặp và chưa có tấm hình màu nào trong cuộc đời nghiên cứu của mình.  
 
 Bóng nắng đã khuất trong một khoảnh khắc, tôi chợt nhận ra hoàng hôn trên đỉnh Fansipan có một vẻ đẹp lạ thường khi ảnh mặt trời xuyên những tia nắng cuối cùng qua từng đám mây mù bao quanh nhiều đỉnh núi (tôi không phải là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về cảnh quan nhưng đây có thể là một trong những khoảnh khắc khó quên trong đời) Sau vài phút mây mù lại kéo đến che khuất ảnh mặt trời, bóng đêm kéo đến, những cơn gió lạnh gào thét, chân tay chúng tôi run lên bần bật vì lạnh, ở độ cao này không khí loãng khiến chúng tôi há to miệng ra hít ôxy để thở.
 
Mặc dù đã phải đi bằng Chân, Tay, Mông và có khi cả bằng Lưng để tiến lên nhưng còn 1,5km nữa mới đến nơi nghỉ 2.800m 
 
Chúng tôi gần như kiệt sức sau một ngày mệt nhọc và cuối cùng với những bước chân chỉ còn là tiềm thức cũng đến độ cao 2.800 vào lúc 8 giờ tối. Hầu như các lều trại ở đây đã dựng lên, mọi người đang ăn tối vui vẻ còn chúng tôi lại lui cui nhóm lửa chuẩn bị bữa tối.  
 
 Và sáng hôm sau, ngoài trời mưa, những cơn gió ào ào qua những đám cây Trúc cao rít lên từng hồi. Ánh sáng lờ mờ bởi những đám mây mù, mọi người lại kêu nhau ăn sáng và chuẩn bị hành trình đoạn cuối lên đỉnh 3143m.
 
 
Sau hơn 2 tiếng với những bước đi nặng nề và mệt mỏi đến gần 3000m. Bất chợt đâu đó trong một khe đá hẹp, nước lạnh tê tái một tiếng kêu nhỏ của một loài sinh vật náo đó phát ra. Theo cảm nhận của bản thân thì không thể có loài lưỡng cư nào có thể sống nổi ở độ cao này. Nhưng dường như con tim mách bảo một điều gì đó rất lạ lẫm. Tôi im lặng lắng nghe, sau một hồi cố sức săm soi, bới, tìm, lại im lặng lắng nghe. Tôi gần như hét lên vì sung sướng vì bắt được cặp Nhái cây Phillautus sp. đang giao phối và đẻ trứng. Thật tình tôi không muốn làm gián đoạn cuộc vui ân ái của chúng nhưng tôi đành phải bắt chúng vì mục đích cao cả “Phục vụ khoa học”. Đây là loài lưỡng cư sống ở độ cao nhất Việt Nam mà tôi đã gặp. Rất có thể là loài mới cho khoa học. Cảm giác của tôi lúc này cực kỳ vui sướng. 
 
 
 Cuối cùng thì mọi người đã tới đỉnh. Ai cũng gào, thét, hét lên vì sung sướng và hạnh phúc vì mình đã vượt qua chính mình. Và tất cả đều ôm nhau nhảy lên như những đứa trẻ mặc cho mưa, gió lạnh rít lên từng hồi.

Chào tạm biệt nhé Fansipan. Hy vọng vào một dịp nào đó, sẽ quay trở lại nơi này.