“Tắc” nước sạch cho nông thôn

ThienNhien.Net – Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang tắc, bởi nhiều lý do như tỷ lệ dân được dùng nước sạch còn thấp; công trình cấp nước làm xong không được quản lý nên kém phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó nguồn đầu tư của Nhà nước hạn chế, nhưng lại chưa có cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Chọn cách “chết” từ từ

Nhiều khó khăn trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được các địa phương nêu ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện năm 2008, bàn giải pháp thực hiện chương trình này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 08/05.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Chúc nêu lên thực tế đáng buồn khung giá nước bán cho nông dân hiện quá cao, từ 1.000 – 8.000 đồng/m3. Chỉ cần thu 3.000 đồng/m3 là đã vượt quá sức chi trả đối với nhiều hộ.

Bởi vậy, không ít nơi người dân đành chọn cách “chết” từ từ, nghĩa là tự tìm nguồn nước chưa được sạch lắm sử dụng, chứ không dám bỏ tiền ra mua nước vì giá cao.

Chia sẻ trăn trở trên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Ngọc Đảm cho rằng, không chỉ tiền mua nước cao, mà nguồn vốn cho dân vay để xây dựng công trình nước sạch hiện quá thấp, trong khi lãi suất lại cao, nên đe dọa khó đạt mục tiêu đến năm 2010 có 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch với mức 60 lít/người/ngày như chương trình đã đề ra.

Đầu tư ban đầu cho mỗi công trình nước sạch cần khoảng 6-7 triệu đồng, nhưng nông dân chỉ được vay 1 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Tuy mức lãi suất cho vay đã giảm từ 10,08% xuống còn 6,08%/năm từ ngày 01/05/2009, nhưng vẫn cao so với thu nhập của đa phần hộ sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều địa phương tự nhận trong báo cáo gửi Văn phòng thường trực Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đưa ra con số khoảng trên 70% số nông dân trên địa bàn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nhưng đây là con số có được do sự “nới tay” trong quá trình đối chiếu với các tiêu chuẩn hiện hành.

Nếu đánh giá nghiêm ngặt con số này chỉ đạt 40-50%. Đây là tỷ lệ khá thấp so với tỷ lệ 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2010 như mục tiêu của nước sạchvà vệ sinh môi trường nông thôn đề ra.

Sẽ sớm khơi thông

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cam kết những vướng mắc trên sẽ sớm được khơi thông, nhằm đạt mục tiêu Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học cho biết, sau khi thống nhất với các bộ, ngành hữu quan, lãnh đạo Bộ vừa ký trình Chính phủ quyết định khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và quản lý công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Khi quyết định này có hiệu lực sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình. Quyết định này mở ra nhiều cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác công trình nước sạch phục vụ khu vực nông thôn như được cấp mặt bằng sạch, ưu đãi vốn vay đầu tư ban đầu.

Đặc biệt, những công trình đã được xây dựng nếu quản lý kém sẽ tiến hành đấu thầu, hoặc bán cho tư nhân quản lý, miễn sao đảm bảo chất lượng nước và công trình bền vững. Trường hợp tư nhân làm không tốt cũng sẽ bị Nhà nước thu hồi giao cho đơn vị khác quản lý hiệu quả hơn, ông Học nói.

Còn theo Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, ngay trong tháng 5 này, Bộ sẽ triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ các khó khăn trên. Riêng kiến nghị tăng vốn nhằm đẩy nhanh triển khai chương trình của các địa phương về cơ bản đã có lời giải, bởi Thường trực Chính phủ vừa đồng ý thực hiện chủ trương tạm ứng vốn ngân sách năm 2010-2011 để thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

“Lo nhất là khi có tiền sẽ không tiêu hết! Do vậy, ngay từ bây giờ, cùng với tập trung rà soát để sử dụng có hiệu quả các công trình hiện có, điều quan trọng là các địa phương cần khẩn trương chuẩn bị điều kiện để triển khai có hiệu quả các công trình mới khi có vốn,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.