Mưa nhiều ngày gây thiệt hại lớn ở Đồng Nai

ThienNhien.Net – Những trận mưa lớn đầu mùa từ đầu tháng 5 đến nay tiếp tục làm tăng khả năng nhiễm bệnh của các loại cây trồng ở Đồng Nai như cà phê, chôm chôm và điều, sắn.

Ngoài 2.000ha cà phê, 4.000ha điều, 4.000ha chôm chôm bị nhiễm bệnh nặng trong 2 tháng 3 và 4 do những trận mưa lớn trái mùa, thì trong tuần đầu tháng 5 này, dịch hại cây trồng tiếp tục lây lan nhanh do những trận mưa lớn chuyển mùa.

Tại huyện Cẩm Mỹ, đã có hơn 1.700ha cà phê đang trong thời kỳ nuôi trái non bị nhiễm bệnh, trong đó gần 600 ha bị rệp sáp, 400ha bị khô cành và 350ha bị rỉ sắt.

Tại huyện Định Quán có 540 ha sắn trong tổng số diện tích gần 900 ha trong giai đoạn cây con đang bị nhiễm bệnh chết đọt, chủ yếu là ở xã Phú Ngọc, trong đó có trên 100 ha nhiễm bệnh từ 20 – 30%; 250 ha bị nhiễm 10 – 20% và 190ha nhiễm 5 – 10%.

Được biết, Trạm bảo vệ thực vật vùng Tân Phú – Định Quán đã gửi mẫu sắn nhiễm bệnh đến Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam để kiểm định và theo kết quả ban đầu, bệnh chết đọt do một loại vi khuẩn mới chưa được định danh gây ra, vì vậy chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc trị căn bệnh này.

Cũng do ảnh hưởng của mưa trái vụ và mưa chuyển mùa đầu vụ, hiện nhiều diện tích trồng tiêu ở huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc cũng bắt đầu bị nhiễm căn bệnh “chết nhanh, chết chậm” và các vườn sầu riêng ở thị xã Long Khánh đột nhiên bị rụng hàng loạt trái non.

Hiện đã có tới khoảng 6.000 trong tổng số 12.000 ha chôm chôm và gần 20.000ha điều trong tổng số 45.000ha điều trong toàn tỉnh bị nhiễm bệnh sẽ giảm năng suất.

Đây là lần đầu tiên, trên địa bàn Đồng Nai có mưa trái mùa nhiều nhất và mưa chuyển mùa kéo dài ngày nhất trong nhiều năm qua gây thiệt hại lớn cho các nhà vườn trồng các loại cây chủ lực.

Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, các nhà vườn nên tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê, cây chôm chôm bằng cách bón phân đầy đủ, tỉa cành hợp lý để tạo vườn thông thoáng, giúp cây sinh trưởng tốt, khi phát hiện sâu bệnh tiến hành phun xịt thuốc kịp thời.

Đối với những diện tích điều bị nhiễm bệnh đang trong thời kỳ nuôi trái, bà con cần phòng trừ kịp thời bọ xít, muỗi, bọ trĩ và bệnh thán thư.

Đặc biệt đối với những diện tích trồng tiêu và sầu riêng, các nhà vườn nên kịp thơi khơi thông các rãnh thoát nước, không để nước mưa ứ đọng trong vườn sau các trận mưa./.