Người ta đang “bức tử” sông Mã

Cá trên sông Mã chết không phải do dịch bệnh. Chúng tôi nghi ngờ có việc xả thải nguồn nước ô nhiễm từ các xưởng chế biến tre luồng “bức tử” sông Mã.

Dòng nước đen đục, bốc mùi hôi thối chảy ra từ những lỗ thủng của bức tường rào, phía bên trong là xưởng chế biến tre luồng tại thôn Chảy Khế, xã Thiết Ống. Ảnh: Võ Dũng.

Cận cảnh việc xả thải của những xưởng chế biến tre luồng không tên

Hay tin hoạt động của các xưởng chế biến tre luồng đang ‘bức tử’ sông Mã, một ngày cuối tháng 3, chúng tôi ngược sông Mã lên xã Thiết kế (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Tại đây, 3 xưởng chế biến tre luồng sát bờ sông thường xuyên hoạt động. Thời điểm này, cá lồng của một số hộ nuôi tại thị trấn Cành Nàng vẫn đang tiếp tục chết.

Dòng nước theo một con mương nhỏ lộ thiên… Ảnh: Võ Dũng.

Dòng sông Mã vốn trong xanh, những ngày này bỗng nhiên đổi thành màu đen. Những lồng cá nằm sát bờ sông của người dân thị trấn Cành Nàng và các xã Hạ Trung, Điền Lư, Lương Ngoại, Lương Trung… chịu thiệt hại nặng nề. Trên 4 tấn cá lồng của người dân đã bị chết; cá và thủy sinh trên sông Mã cũng chết trôi dạt vào bờ vô số.

Đổ ra dòng sông Mã. Ảnh: Võ Dũng.

Chúng tôi tiếp cận một xưởng chế biến tre luồng tại thôn Chảy Khế. Theo những dòng nhỏ ghi trên giấy A4 dán ở cửa ra vào thì đây là xưởng chế biến tre luồng của Công ty TNHH Tân Thái Thanh. Xưởng biệt lập với bên ngoài bằng bức tường rào cao nối từ QL 15A xuống sát bờ sông Mã.

Tháng 6/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa ra 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 500 triệu đồng đối với Công ty TNHH Tân Thái Thanh; hộ kinh doanh cá thể bà Phạm Thị Loan và Công ty CP chế biến lâm sản Phú Thành vì các hành vi lắp đặt đường ống xả thải không qua xử lý ra môi trường; lắp đặt đường ống ngầm nối với đường ống thu gom nước thải chưa qua xử lý thuộc hệ thống xử lý nước thải của công ty để thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Theo ghi nhận của PV vào sáng 25/3, dưới chân bức tường này có vô số lỗ thủng. Từ những lỗ thủng này nhìn vào có thể quan sát được các hoạt động phía bên trong xưởng chế biến. Những dòng nước đen đục, bốc mùi hôi thối, bờn bợn từ phía trong tường rào chảy xuống một con mương nhỏ lộ thiên, đóng váng, đen đặc. Dòng nước này theo con mương sát tường rào dẫn đến đến bờ sông Mã…

Thấy chúng tôi, một người đứng cao hơn tường rào nói vọi ra: “Chụp quay cái gì thế? Là nước sinh hoạt thôi! Lát nữa sẽ có công an môi trường đến kiểm tra”.

Chúng tôi thuê một chiếc thuyền của người dân đánh cá để đi lên phía thượng nguồn cách cơ sở này khoảng vài trăm mét.

Vợ chồng người đánh cá trên sông Mã than vãn: “Có lẽ cá trên sông Mã chết hết rồi, đánh lưới cả ngày cũng chỉ được vài con tôm, con tép. Chiều tối, lúc trở trời mới cảm nhận được mùi hôi thối kinh khủng”.

Theo người dân địa phương, việc xả trộm nước thải ra môi trường vẫn thường diễn ra nhưng khoảng tháng 3, tháng 4, thời điểm nước sông xuống thấp, dù xả ít thì nước vẫn bẩn, cá vẫn chết do dòng chảy không đủ sức cuốn nước bẩn đi.

Để chứng minh lời mình nói, người đánh cá chở chúng tôi đến dưới chân một cơ sở chế biến tre luồng cũng tại thôn Chảy Khế. Tại đây, hoạt động của cơ sở này diễn ra bình thường. Khu vực sông ngay sau xưởng chế biến này bọt nổi lên trắng xóa, cách 3-4 m lại có một điểm nước từ phía dưới lòng sông đùn lên.

Cơ sở chế biến tre luồng này nằm sát bờ sông Mã, vật liệu dư thừa tràn xuống mép sông, tấp thành từng đống lớn và chỉ được che chắn rất sơ sài bằng những cọc luồng.

Chúng tôi hỏi người đánh cá: Liệu có phải những điểm có nước đùn lên là do nước thải ngầm ở dưới lòng sông lên không?

Dòng sông Mã nổi màu đen, bốc mùi hôi thối khiến trên 4 tấn cá lồng và các loài thủy sinh trên sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước bị chết. Ảnh: Người dân cung cấp.

Người đánh cá trả lời: Có lẽ thế nhưng hôm nay vẫn chưa phải là ngày họ thải nhiều đâu.

“Bức tử” sông Mã, “giết chết” một đề án phát triển kinh tế

Sông Mã bị “bức tử” không chỉ dẫn đến hệ lụy khôn lường về môi trường mà còn khiến đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trong khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 của BCH Huyện ủy Bá Thước có nguy cơ phá sản.

Phế phẩm của một xưởng chế biến tre luồng không tên ở thôn Chảy Khế tràn ra mép sông, chỉ được che chắn sơ sài bằng cọc tre luồng. Ảnh: Võ Dũng.

Trên địa bàn huyện Bá Thước có 4 cơ sở chế biến tre luồng và một nhà máy chế biến tinh bột sắn. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, các cơ sở này đều có hệ thống xử lý nước thải và cam kết sử dụng tuần hoàn nguồn nước, không thải ra ngoài môi trường khi chưa qua xử lý.

Tuy nhiên, một cán bộ phòng TNMT huyện Bá Thước tỏ ra ái ngại: “DTM là thế nhưng việc các cơ sở này có tuân thủ quy trình hay không, có vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng cam kết hay không lại là câu chuyện khác”.

Từ thực tế tai nghe, mắt thấy tại hai cơ sở chế biến tre luồng ở xã Thiết Kế, chúng tôi lần tìm lại hành vi vi phạm của các cơ sở này một năm về trước.

Nước ở khu vực này có màu đen, bọt nổi trắng xóa, cứ cách nhau 3-4 m lại có một điểm nước từ dưới lòng sông đùn lên nghi là ống xả thải ngầm của xưởng chế biến tre luồng. Ảnh: Võ Dũng.

Đầu tháng 4/2020, cá trên sông Mã đoạn đi qua huyện Bá Thước chết bất thường. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh Thanh Hóa, mẫu bệnh phẩm, mẫu nước xét nghiệm tại Viện Nuôi trồng thủy sản I cho thấy, cá và các loài thủy sinh không nhiễm bất kỳ dịch bệnh nào, mật độ vi khuẩn trong nước đều ở mức cho phép. Đây cũng là kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, mẫu nước trong đợt cá chết trên sông Mã giữa tháng 3/2021.

Tháng 6/2020, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện 3 đơn vị sai phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền gần 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, các văn bản của ban ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa không kết luận cụ thể cá lồng của người dân và các loài thủy sinh trên sông Mã chết do đâu. Vì điều này, trên 3 tấn cá lồng của người dân huyện Bá Thước bị chết đầu tháng 4/2020 hiện vẫn chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm đền bù.

Sông Mã bị bức tử; dự án phát triển thủy sản trên lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 có nguy cơ “phá sản”; hàng tấn cá bị chết nhưng hiện vẫn chưa thể quy trách nhiệm cụ thể để có phương án đền bù thiệt hại cho người nuôi cá lồng. Ảnh: Võ Dũng.

“Người dân rất bức xúc và nhiều lần hỏi nhưng chúng tôi cũng chưa có một văn bản cụ thể nào của cấp trên và ngành chức năng trả lời cá chết là do đâu, trách nhiệm thuộc về ai nên rất lúng túng. Năm nay, cá lại tiếp tục chết, bà con lại rất bức xúc, lên thị trấn hỏi cho ra ngọn ngành nhưng chúng tôi biết trả lời thế nào? Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm chỉ rõ nguyên nhân để quy trách nhiệm, nếu có đơn vị nào xả thải khiến cá chết thì phải đền bù thiệt hại cho người dân” – ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng cho hay.

Đại diện Phòng nông nghiệp huyện Bá Thước cho biết, để khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Bá Thước 2, BCH Huyện ủy Bá Thước đã ra nghị quyết 03 để phát triển nuôi trồng thủy sản lòng hồ giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn tiếp theo.

Đến nay, toàn huyện đã có 800 lồng bè nuôi cá và cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, trong 2 năm liên tiếp 2020, 2021, cá nuôi và các loài thủy sinh sông Mã đều chết dù không có dịch bệnh gì. Điều này đang khiến quyết tâm thực hiện nghị quyết 03 của BCH Huyện ủy Bá Thước có nguy cơ phá sản.

Xưởng chế biến tre luồng mọc lên như nấm

Huyện Quan Hóa nằm phía thượng nguồn sông Mã so với huyện Bá Thước. Địa phương này hiện có trên 30 xưởng chế biến tre luồng dọc bờ sông Mã, trong đó có 8 đơn vị chế biến sâu, ngâm ủ, làm giấy vàng mã. Với thực tế chế biến tre luồng như hiện nay, người dân dọc sông Mã lo lắng, chẳng bao lâu nữa sông Mã sẽ bị ô nhiễm quanh năm dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của các địa phương vùng hạ lưu.