Biến đổi khí hậu- những cơ hội và tác động về kinh tế đối với Việt Nam

ThienNhien.Net – Ngày 27/04, tại Hà Nội, đông đảo các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo “Biến đổi khí hậu: Những cơ hội và tác động về kinh tế đối với Việt Nam” do Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cùng Diễn đàn Giáo dục của Hội đồng thương mại Việt – Mỹ tổ chức.

Ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc Hội cho biết: “Nhiệt độ trung bình của Việt Nam có thể tăng thêm 3 độ C và mực nước biển có thể dâng thêm 1m vào năm 2100. Theo đánh giá của các tổ chức khoa học quốc tế, Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập chìm nặng nhất”.

Ông Trần Thục, Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, BĐKH làm lượng mưa tăng nhiều hơn vào mùa mưa, lũ lớn xảy ra thường xuyên hơn ở miền Trung và miền Nam. Song lượng mưa lại giảm vào mùa khô, hạn hán xảy ra hàng năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước. BĐKH làm cho thiên tai đặc biệt là bão, lũ, hạn hán xảy ra ngày càng ác liệt. Hiện Viện đang sử dụng phương pháp động lực để xây dựng kịch bản BĐKH và được đánh giá cao. Vì mức độ tính toán bước đầu cho thấy kết quả khá thống nhất, giúp chúng ta yên tâm hơn về tính khoa học của hệ thống kịch bản được hoàn thành tới đây.

Theo Uỷ ban đối ngoại của Quốc Hội: BĐKH làm hàng trăm triệu người có thể lâm vào nạn đói, thiếu nước và lụt lội tại vùng ven biển do trái đất nóng lên và nước biển dâng. Những nạn nhân nhạy cảm nhất bao gồm các quốc gia nghèo, kém phát triển và các tầng lớp dân cư nghèo phải hứng chịu hậu quả sớm nhất và nặng nề nhất, trong khi đó họ không phải là đối tượng chính gây ra BĐKH.

Tiểu Ban Khoa học tự nhiên – tài nguyên và môi trường, Uỷ Ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc Hội cho rằng, Một trong những nguyên nhân chính của BĐKH hiện nay là việc sử dụng không hợp lý các nguồn năng lượng từ nhiên liệu như than, dầu, khí đốt dẫn đến phát thải ngày càng tăng các khí gây hiệu ứng nhà kính./.