Chống biến đổi khí hậu – Sự nghiệp nhân đạo vĩ đại của nhân loại

ThienNhien.Net – Đã 15 năm kể từ khi Hiệp ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu có hiệu lực và hơn 10 năm Nghị định thư Kyoto được thông qua. Cả thế giới vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chung nhằm kiềm chế sự biến đổi khí hậu. Một trong những nỗ lực đang được mong chờ nhất hiện nay là Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 15 (COP 15) diễn ra cuối năm nay tại Copenhagen nhằm thảo luận về một hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Dưới đây xin được giới thiệu với độc giả bài viết của Ana Lya Uriarte, bộ trưởng Bộ Môi trường Chile, đăng trên trang web riêng bàn về COP 15 Copenhagen.

Trong những năm gần đây, chúng ta ngày càng nhận thức được mức độ nghiêm trọng và sự tồn tại không thể phủ nhận của biến đổi khí hậu mà con người là tác nhân chủ yếu. Không như trước kia, giờ đây không ai còn có thể nghi ngờ về mức độ ảnh hưởng vô cùng sâu rộng của sự ấm lên toàn cầu. Ngày nay, cộng đồng quốc tế và các quốc gia đang dành sự chú ý xứng đáng, chưa từng có cho hiện tượng toàn cầu được xem là thách thức môi trường lớn nhất của thời đại chúng ta này.

Những tác động nguy hại của biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra ở Chile và các nước đặc biệt dễ tổn thương khác. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần tăng cường các cam kết và đối sách để đáp ứng với với mức độ nghiêm trọng của những thách thức này.

Trách nhiệm của Chile trong vấn đề ấm lên toàn cầu không lớn, song chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục tập trung tìm kiếm các giải pháp thích nghi, đồng thời đóng góp những giải pháp chủ động, có tính xây dựng. Như Michelle Bachelet, tổng thống nước cộng hòa Chile từng phát biểu “Nếu hòa bình là vấn đề của thế kỉ 20, thì biến đổi khí hậu là sự nghiệp nhân đạo vĩ đại của nhân loại trong thế kỉ này.”

Chúng ta hiểu rõ mức độ của vấn đề và cần nỗ lực tìm ra giải pháp cũng như tiến hành các động thái kiên quyết để hạn chế nó. Nếu không hành động dựa trên nguyên tắc bình đẳng, những bất công mới – đặc biệt là với những quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu – sẽ xảy ra, đơn cử như vấn đề di dân, gia tăng nghèo đói, thiếu nguồn tài nguyên và việc làm cùng các vấn đề về sinh kế của người dân.

Vì thế, việc cấp bách hiện tại là nhanh chóng đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi và hạn chế các mối đe dọa đối với môi trường sinh thái, sức khỏe con người, sự phát triển kinh tế, tài nguyên nước, hạ tầng quốc gia, nguồn cung lương thực và năng lượng. Phòng ngừa, chuẩn bị, đối phó và phục hồi đối với các tác động về môi trường, kinh tế, xã hội của biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu.

Nhưng vấn đề sẽ không thể giải quyết nếu chúng ta vẫn suy nghĩ và hành động như cách chúng ta đã tạo ra sự ấm lên của trái đất. Sẽ không có giải pháp nào khả thi nếu ta không nỗ lực nâng cao nhận thức, chấp nhận lối sống mới và thay đổi các hình thức sản xuất, tiêu dùng.

Hơn nữa, dù biến đổi khí hậu là vấn đề cần sự quan tâm của toàn nhân loại và các địa phương, dựa trên nguyên tắc về quyền con người, sự bình đẳng và cộng đồng trách nhiệm, song khả năng và vai trò gánh vác của mỗi nước lại không giống nhau. Các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức xã hội, các tổ chức nghiên cứu và cả khu vực tư nhân cần phải đoàn kết lại thành một khối tham gia vào cuộc chiến chống lại các thách thức vốn vượt quá khuôn khổ chương trình nghị sự của chính phủ. Vấn đề này phải được giải quyết thông qua việc phát triển bền vững, cân bằng và thúc đẩy các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường.

Thế giới mà chúng ta đang sống đã thay đổi, với nhiều lựa chọn hơn so với thời kì bắt đầu công nghiệp hóa. Công nghệ mới và đặc biệt là sự chuyển giao hiệu quả các công nghệ mới, các nguồn năng lượng hiệu xuất cao và năng lượng tái tạo, phương thức quản lý nguồn lực đáng tin cậy cùng nguồn quỹ dồi dào đã tạo điều kiện cho các quốc gia vươn tới sự phát triển bền vững, tức là tăng trưởng nhưng không tái phạm những sai lầm đã dẫn chúng ta tới tình trạng hiện nay.

Vả chăng, tăng trưởng kinh tế không đi ngược lại với mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Chúng ta phải tiếp tục tăng trưởng, thoát khỏi đói nghèo nhưng theo một cách hài hòa, hợp lý và thân thiện với môi trường.

Ngày nay, chúng ta đang phải đương đầu với một thách thức mới – cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Song đây là thời điểm mà một tầm nhìn chiến lược và nhất quán nhất định sẽ thắng thế. Khủng hoảng tài chính không phải là lý do để ta lơi là trách nhiệm với môi trường. Tôi đầy lạc quan rằng chúng ta sẽ sớm vượt qua khủng hoảng tài chính, song chúng ta cũng cần phải ý thức được yêu cầu cấp thiết của việc thích nghi với biến đổi khí hậu, ít nhất là trong thế kỉ này. Có một cánh cửa cơ hội cho phát triển bền vững, đặc biệt thích hợp với những nước như chúng ta, những quốc gia tin rằng môi trường và hệ sinh thái là tài sản của nền kinh tế.

Có lẽ một trong những vấn đề phức tạp nhất trong việc giải quyết hiện tượng biến đổi khí hậu là nó đòi hỏi các hành động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn một cách bền bỉ. Không còn nghi ngờ gì nữa, hiện tượng ấm lên toàn cầu đang đặt gánh nặng lên vai chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là hoạch định các chính sách quốc gia nhằm thay đổi lối sống để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Cái thế giới cần là các chính sách hiệu quả, cả ngắn hạn, trung hạn lẫn dài hạn. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi các quốc gia có những chính sách đối nội toàn diện, minh bạch, xuyên suốt, tập trung vào biến đổi khí hậu ở những phương diện ta hiểu rõ nhất: thích nghi, giảm thiểu, gây quỹ, chuyển giao công nghệ, phát triển, và xây dựng nguồn lực.

Bên cạnh đó, tất cả các nước phải cam kết nỗ lực hơn. Những nỗ lực hành động của các nước đang phát triển cần được ghi nhận. Vì trên nguyên tắc pháp lý, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài nghĩa vụ tham gia giải quyết hiện tượng biến đổi khí hậu, song chúng ta vẫn cần phân biệt cụ thể trách nhiệm, ưu tiên, năng lực đồng thời kết hợp hài hòa giữa tình đoàn kết, sự hưởng ứng quốc tế với chủ quyền quốc gia.

Chúng ta vững tin rằng kết quả các cuộc đàm phán quốc tế gần đây sẽ củng cố thêm Hiệp ước về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Tokyo, nhờ đấy triển khai hiệu quả các tiềm lực của chúng. Không nghi ngờ gì nữa, các phương pháp và công cụ đó giúp chúng ta có thể giải quyết đồng bộ vấn đề biến đổi khí hậu, đơn cử như chương trình nghị sự phát triển của từng ngành, hoặc qua việc tạo điều kiện cần để giải quyết các nhu cầu cơ bản liên quan đến môi trường địa phương như đói nghèo hay khủng hoảng năng lượng.

Chúng ta có mạng lưới quốc tế hoạt động hiệu quả và các lựa chọn cũng như cơ hội để biến mục tiêu thành hiện thực. Chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả các quốc gia sẽ tăng cường cam kết của họ với môi trường, với các thế hệ hôm nay và mai sau.