Tăng cường nghiên cứu nguồn khoáng sản ẩn sâu

ThienNhien.Net – "Để hoạt động địa chất khoáng sản đạt hiệu quả, chất lượng cao thì công tác nghiên cứu điều tra cơ bản đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, các công trình khoa học, dự án, đề án lớn về điều tra địa chất nên tập trung vào những nguồn khoáng sản ẩn sâu, thu hồi khoáng sản nghèo và nguyên liệu khoáng mới. Muốn vậy, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (KHĐC&KS) phải xây dựng được mối quan hệ gắn bó mật thiết, mở rộng hợp tác quốc tế cả về công nghệ và đào tạo nhân lực". Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nhấn mạnh như vậy tại buổi thăm và làm việc với Viện KHĐC&KS chiều 13/04. Tham dự, có Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Văn phòng Bộ TN&MT.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những thành tích mà Viện KHĐC&KS đạt được trong năm qua. Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, những kết quả nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao trong lĩnh vực địa chất khoáng sản có tác động mạnh đến tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Trong thời gian tới, Viện cần chú trọng triển khai các dự án, đề án trung hạn và dài hạn ở cấp Nhà nước, như năng lượng hóa thạch ven bờ biển, bể than sông Hồng… nhằm nâng cao vai trò lịch sử của mình trong các sự kiện lớn.

Trước đó, TS. Nguyễn Linh Ngọc, Viện trưởng Viện KHĐC&KS đã báo cáo tình hình hoạt động những năm 2003 – 2008 và định hướng nhiệm vụ năm 2009; định hướng nghiên cứu triển khai giai đoạn 2010 – 2020.

Theo đó, Viện đã hoàn thành 56 báo cáo, trong đó có 30 đề án vốn sự nghiệp địa chất, 2 dự án vốn sự nghiệp môi trường, 5 đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước, 1 đề tài thuộc chương trình năng lượng trọng điểm (địa nhiệt), 18 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ và 1 dự án sản xuất thử nghiệm cấp cơ sở. Nổi bật, Viện đã xây dựng loạt bản đồ sinh khoáng và dự báo triển vọng khoáng sản vùng sông Ba, đới đứt gãy Pô Kô, hiện đang nghiên cứu sinh khoáng rìa Tây Nam địa khối Kon Tum.

Ngoài ra, Viện có nhiều báo cáo, góp ý đánh giá tác động môi trường chiến lược đối với nhiều dự án quan trọng, như bôxít Đắk Nông, sắt Thạch Khê, than Nông Sơn, titan ven biển miền Trung… Đặc biệt, dự án “Bảo tồn cảnh quan đá vôi khu vực Pu Luông – Cúc Phương” góp phần giúp tỉnh Hòa Bình thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông. Thời gian tới, Viện sẽ tập trung xây dựng các dự án điều tra nghiên cứu về địa nhiệt, xử lý nước thải, địa chất thủy văn – địa chất công trình, nước khoáng nóng, địa chất y học, di sản và tai biến địa chất, băng cháy, biến đổi khí hậu, viễn thám…

Cần xây dựng một quy chế phối hợp lâu dài với Viện KHĐC&KS, có lộ trình và nội dung cụ thể là vấn đề thiết yếu được các đại biểu tập trung thảo luận tại buổi làm việc. Ba vấn đề chính nêu ra tại quy chế này, là công tác nghiên cứu điều tra và chuyển giao kết quả dự án, đề án phải hoàn thiện hơn nữa về chất lượng và số lượng; tăng cường mối quan hệ mật thiết, trao đổi các nhiệm vụ phù hợp chức năng để cùng phối hợp thực hiện; tăng cường vốn đầu tư cho các nhiệm vụ điều tra có ảnh hướng lớn về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên chỉ đạo, thời gian tới ngoài những dự án đã báo cáo, Viện KHĐC&KS cần tập trung vào nghiên cứu điều tra lĩnh vực địa chất biển, đặc biệt các công trình địa chất khoáng sản trên biển và địa chất môi trường. Bên cạnh đó, muốn đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trước hết giữa Viện và các đơn vị trong Bộ phải xây dựng được mối quan hệ thân thiết, chặt chẽ.