Bếp lò xách tay sử dụng chất đốt từ phế thải nông sản

ThienNhien.Net – Hệ thống bếp đun cải tiến DKT (1, 2, 3, 4, 5) sử dụng chất đốt thông thường như vỏ trấu, lõi ngô, mùn cưa, vỏ lạc… giúp giảm chất đốt từ 40 – 60%, tiết kiệm thời gian đun từ 30 – 40%, tạo ra than sinh học từ 0,4 – 0,5 kg/đun nấu, giảm 30 – 70% khói bụi.

Dòng bếp DKT tiết kiệm năng lượng, tạo than sinh học – Ảnh: Thu Anh

Hệ thống bếp đun cải tiến DKT là loại bếp lò xách tay bao gồm 5 loại do Th.S Đỗ Đức Khôi – Giám đốc Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển (PED) sáng chế và sản xuất.

Trao đổi cùng báo điện tử Một Thế Giới, Th.S Đỗ Đức Khôi chia sẻ: “Tôi bắt đầu nghiên cứu dòng bếp xách tay này từ năm 2010 và đây là loại bếp duy nhất ở Việt Nam có thể tạo ra than sinh họ. Hiện nay, dòng bếp DKT đã sản xuất được 5 loại”.

Th.S Đỗ Đức Khôi – “cha đẻ” của dòng bếp DKT

Nói về cái tên DKT, Th.S Khôi cho biết đây là tên viết tắt từ tính năng của sản phẩm: Đỡ khói, Đỡ khổ. Trong khi đó, chữ “T” trong tên sản phẩm chính là mục đích mà dòng bếp hướng tới: Tiết kiệm, Thân thiện môi trường, Tiện dụng, Thích hợp với mọi nhà và Tạo than sinh học.

Được biết, đặc điểm nổi bật của dòng bếp DKT chính là việc không sử dụng điện mà được đun hoàn toàn từ vỏ trấu, vỏ lạc, mùn cưa, lõi ngô, vỏ cafe… nên người dân ở nông thôn, miền núi hoàn toàn có thể tận dụng lại phế thải nông sản, thân thiện với môi trường, giúp giảm chất đốt từ 40 – 60%, tiết kiệm thời gian đun từ 30 – 40%, tạo ra than sinh học từ 0,4 – 0,5 kg/đun nấu, giảm 30 – 70% khói bụi.

“Nếu người dân thành phố có nhu cầu sử dụng loại bếp này, thay vì dùng vỏ trấu, mùn cưa… người dân thành thị có thể sử dụng viên nén làm chất đốt và có thể dễ dàng tìm kiếm trong các siêu thị, khi đun cũng sạch sẽ hơn, tiết kiệm thời gian”, ông Khôi nói.

Lõi ngô, vỏ trấu, viên nén… được sử dụng làm chất đốt

Theo phân tích của “cha đẻ” loại bếp này, DKT được chia làm 2 dòng bếp: DKT2, DKT3, DKT5 áp dụng nguyên lý lai giữa khí hóa và đốt trực tiếp. Đây là 2 nguyên lý cháy bổ trợ cho nhau, giúp tạo ra than sinh học (chất cháy không kiệt) sau đun nấu. Trong khi đó, DKT4 chỉ áp dụng nguyên lý khí hóa, cháy từ trên xuống. Các loại bếp này chỉ khác nhau ở độ cao của bếp và dung lượng buồng tạo than sinh học. Loại bếp này có thể tạo ra than sinh học với khối lượng từ 0,4 – 0,5 kg/lần đun. Sau khi đun, than sinh học sẽ được sử dụng để rắc vào chuồng nuôi gia súc, gia cầm nhằm khử mùi hôi.

Để sử dụng dòng bếp DKT hiệu quả, an toàn, ông Khôi cũng đưa ra khuyến cáo: “Khi đun, bà con không nên để bếp đun trên sàn tre, gỗ hoặc các thứ dễ cháy, chỉ đặt bếp đun DKT trên nền đất hoặc gạch đỏ, bê tông, nền xi măng. Sau khoảng 30 phút đun nấu, mặt bếp và vỏ bếp có thể nóng từ 50 – 80 độ C, do vậy cần tránh tiếp xúc trực tiếp vào mặt và thân bếp”.

Sau khi đun, than sinh học sẽ được sử dụng để rắc vào chuồng nuôi gia súc, gia cầm nhằm khử mùi hôi.

Với tổng trọng lượng chưa tới 3,5kg, bà con đi nương, đi rẫy hoàn toàn có thể mang bếp theo để đun nấu. Theo chia sẻ từ ông Khôi, dòng bếp này có giá không quá cao, phù hợp với đời sống kinh tế của bà con nông dân. Cụ thể: DKT2, DKT3 có giá 245.000 đồng; DKT4 (bao gồm cả quạt) giá 545.000 đồng; DKT5 có giá 445.000 đồng.