Interpol điều tra vụ buôn lậu ngà voi sang Việt Nam

ThienNhien.Net – Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, bà Shama Mwangunga, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Tài nguyên Tanzania khẳng định chính phủ Tanzania đang hợp tác với Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) trong việc truy tìm nguồn gốc lô hàng ngà voi trị giá hơn 10 triệu USD bị bắt ở Việt Nam hồi đầu tháng 3.

Bà Shama Mwangunga cho hay hiện tại chưa thể khẳng định lô hàng ngà voi bị buôn lậu sang Việt Nam này là của đất nước Tanzania, vì thế cần kiểm tra nguồn gốc của lô hàng một cách khoa học. Kết quả xác minh nhằm xác định các tổ chức hay cơ quan có liên quan tới vụ buôn lậu và giúp Bộ có phương án xử lý các phần tử buôn lậu trong nước.

Phát biểu cuối tháng 3 vừa rồi bà Bộ trưởng cho biết: “Nếu chứng minh được lô hàng ngà voi có nguồn gốc từ Tanzania thì một số quan chức của Bộ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này. Chúng tôi sẽ không dung thứ các quan chức có liên quan bất kể họ ở vị trí nào.”

Theo báo chí đưa tin, lượng ngà voi trị giá chừng 15 tỷ shilling bị bắt ở Việt Nam sau khi buôn lậu từ Tanzania. Các nhân viên hải quan Việt Nam tại Cảng Hải Phòng đã phát hiện 7 tấn ngà voi được giấu trong hàng trăm thùng nhựa đặt trong một container được vận chuyển tới cảng Hà Phòng từ Tanzania quá cảnh qua Malaysia.

Theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Quốc tế (TRAFFIC), giá ngà voi ở Việt Nam hiện có thể ở mức cao nhất thế giới, với giá ngà voi nguyên chiếc lên tới 1500 USD/1kg và ngà voi miếng là 1863 USD/kg. Điều này có nghĩa là 7 tấn ngà voi được cho là buôn lậu từ Tanzania có thể có giá trị lên tới 10,5 triệu USD.

Mặc dù Việt Nam cấm buôn bán ngà voi từ năm 1992 nhưng hoạt động giao dịch ngà voi từ trước khi có lệnh cấm vẫn được cho phép. Theo TRAFFIC, đây là một lỗ hổng luật pháp cho những kẻ buôn lậu lợi dụng.

Bà Mwanguga cho biết Bộ Du lịch và Tài nguyên thiên nhiên Tanzania mới được giao quyền xử lý những kẻ săn trộm động vật ở các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng quốc gia. Hiện Bộ cũng đang điều tra xem liệu có đường dây săn trộm động vật quốc tế nào ở Tanzania không.

Bộ Du lịch và Tài nguyên Tazania đã liên hệ với Interpol và các văn phòng thư ký Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp (CITES), Hiệp định Lusaka có trụ sở ở Nairobi, Kenya yêu cầu họ giúp đỡ trong công tác điều tra.