Lời nguyền tài nguyên

ThienNhien.Net – Lẽ thường, những quốc gia phong phú về tài nguyên thiên nhiên ắt hẳn phải có lợi thế nhiều hơn, giàu có và phồn vinh. Thế nhưng, các nhà kinh tế học lại khám phá ra điểm đáng ngạc nhiên của tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ hiện đại là các nền kinh tế được hậu thuẫn bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú lại có xu hướng phát triển chậm hơn so với các nền kinh tế ở các quốc gia khác. Bài viết này tóm lược một số điểm chính từ cuốn “Thoát khỏi lời nguyền tài nguyên” (Escaping the Resource Curse) do các tác giả nổi tiếng Macartan Humphreys, Jeffrey D. Sachs, và Joseph E. Stiglitz biên tập.

Tài nguyên và tính minh bạch trong ngân sách

Rất nhiều quốc gia sở hữu dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản nhưng lại thất bại trong phát triển kinh tế. Ngược lại, một số quốc gia khác dù thiếu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên nhưng lại có nhiều thành công trong phát triển kinh tế. Các quốc gia và vùng lãnh thổ được mệnh danh là “Những con hổ châu Á” (Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan) đã đạt được thành tích tăng trưởng kinh ngạc mặc dù không có được nguồn dự trữ tài nguyên nhiên nhiên đáng kể nào.

Châu Phi là minh chứng rõ nhất cho lời nguyền tài nguyên. Lục địa giàu có tài nguyên khoáng sản này vẫn đang đối mặt với đói nghèo, bệnh dịch, chiến tranh … Công-gô, Ăng-gô-la, Su-đăng trải qua những xung đột sắc tộc, nội chiến tranh giành quyền lực và tài nguyên. Ni-giê-ria bị ảnh hưởng nặng nề do nạn tham nhũng.

Lời nguyền tài nguyên là gì?

“Lời nguyền tài nguyên” (resource curse) là cụm từ được dùng để mô tả nghịch lý của các quốc gia, vùng lãnh thổ giàu có tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không thể tái tạo như khoáng sản và nhiên liệu, nhưng không có được tốc độ tăng trưởng và hiệu quả phát triển kinh tế như các nước nghèo tài nguyên.

Bản thân giữa các nước giàu tài nguyên cũng có mức độ phát triển khác nhau. Cách đây 30 năm, In-đô-nê-xia và Ni-giê-ria có mức thu nhập bình quân đầu người gần như tương đương và đều phụ thuộc nặng nề vào nguồn thu từ bán dầu mỏ. Nhưng hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của In-đô-nê-xia đã gấp 4 lần của Ni-giê-ria.

Nghịch lý này cũng có thể xảy ra trong bản thân của một quốc gia. Nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm người chứ không phải dân chúng. Sự bất bình đẳng này tạo ra những nước giàu với đa số người dân nghèo.

Đặc trưng của cải tài nguyên

Tài nguyên thiên nhiên là một dạng của cải đặc biệt. Khác với các dạng của cải khác, chúng ta không phải sản xuất ra tài nguyên mà chỉ đơn thuần khai thác để dùng. Do không phải qua quá trình sản xuất nên việc sản sinh ra của cải tài nguyên có thể diễn ra khá độc lập với các tiến trình kinh tế khác trong một quốc gia. Một ngành khai thác có thể không nhất thiết liên quan đến các ngành công nghiệp khác hoặc không cần sự tham gia của một lượng lớn lao động nội địa.

Escaping the resource curse
Bìa cuốn “Thoát khỏi lời nguyền tài nguyên”
Một đặc điểm khác
biệt nữa là rất nhiều nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt,
là không thể tái tạo. Nhìn từ khía cạnh kinh tế, những tài nguyên này
giống với tài sản hơn là nguồn thu nhập.

Với những đặc trưng
này, nguy cơ lớn nhất đối với tài nguyên thiên nhiên được các nhà khoa
học chính trị đặt tên là “hành vi vụ lợi”. Mối lợi thường xuất hiện khi
có khoảng cách lớn giữa giá trị của tài nguyên và chi phí khai thác.
Trong trường hợp này, các cá nhân (doanh nhân hoặc các nhà chính trị)
có động cơ sử dụng các cơ chế chính trị để nắm giữ mối lợi này. Những
áp phe vụ lợi của các tập đoàn và những câu kết với quan chức chính
quyền khiến của cải tài nguyên không mang lại kết quả, lợi ích kinh tế
và chính trị như mong muốn.

Nguyên nhân của “lời nguyền tài nguyên”

Thiếu chuyên môn:
Trong các đàm phán hợp đồng khai thác, thông thường các tập đoàn đa
quốc gia có lợi thế lớn hơn về cả chuyên môn và nguồn lực so với các
chính phủ. Với lĩnh vực dầu mỏ, nhiều khi bên mua (các tập đoàn dầu mỏ)
thực ra nắm rõ giá trị hàng hóa được bán hơn là chính người bán – chính
phủ của đất nước có nguồn tài nguyên. Vì vậy, các tập đoàn chắc chắn có
vị thế đàm phán tốt hơn so với phía chính phủ.

Căn bệnh Hà Lan (Dutch diseace): là thuật ngữ chỉ nguy cơ kinh tế xảy ra khi đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên dẫn tới làm suy giảm ngành công nghiệp chế tạo. Thuật ngữ này đôi khi cũng được dùng để chỉ nguy cơ xảy ra khi sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài dẫn tới sự suy giảm của nguồn lực trong nước. Tạp chí The Economist đặt ra thuật ngữ này vào năm 1977 để miêu tả sự suy giảm của khu vực chế tạo của Hà Lan khi nước này đẩy mạnh xuất khẩu khí thiên nhiên.

Tính bất ổn đinh của nguồn thu: Thu nhập từ khai thác tài nguyên là không ổn định và biến động ở biên độ lớn do: (i) biến động chi phí khai thác theo thời gian; (ii) thay đổi trong thời hạn thanh toán của các tập đoàn khai thác cho chính phủ; (iii) dao động giá cả thị trường.

Ăn lẹm vào vốn: Bởi nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên là không thể tái tạo, việc chi tiêu bằng nguồn thu từ bán tài nguyện nên được xem là tiêu vào vốn hơn là tiêu dùng từ nguồn thu nhập. Nếu như tất cả nguồn thu từ khai thác tài nguyên đều được đem sử dụng thì giá trị tài sản quốc gia đó sẽ bị giảm xuống.

Thiếu đầu tư hiệu quả vào giáo dục: Khi một quốc gia dựa nhiều vào của cải tài nguyên, họ có xu hướng bỏ quên việc đa dạng hóa và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động để phát triển các ngành kinh tế khác.

Tham nhũng tài nguyên: Tham nhũng liên quan đến tài nguyên thiên nhiên diễn ra dười nhiều hình thức khác nhau. Nhiều công ty khai khoáng và dầu mỏ xuyên quốc gia tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách mua tài nguyên với giá thấp hơn thị trường thông qua hối lộ quan chức chính phủ. Trong thực tế, nguy cơ tham nhũng ở các quốc gia giàu có tài nguyên là rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Tổng thống Abacha của Ni-giê-ria bị cáo buộc là đã tham nhũng 3 tỉ đô-la từ tài nguyên thiên nhiên của đất nước này.

Sức ép tại vùng khai thác: Quá trình khai thác tài nguyên có thể dẫn đến việc tái định cư bắt buộc cho người dân, dân di cư từ nơi khác đến làm việc, ô nhiễm và suy thoái môi trường. Thậm chí khi những tác động này không đáng kể thì cộng đồng ở chính những khu vực khai thác tài nguyên có thể không thực sự đồng tình và hài lòng khi thấy của cải bị chuyển đi phục vụ lợi ích những người ở nơi khác.

Thoát khỏi lời nguyền

Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và bền vững hơn sẽ giúp các quốc gia tránh được nghịch cảnh đói nghèo khi đang đứng trên vô vàn của cải.

Giải quyết “lời nguyền tài nguyên” không phải là vấn đề quá khó khăn. Đa số các giải pháp và nguyên tắc giải quyết đều tương đối đơn giản. Phương thuốc quan trọng nhất đó là tăng cường tính minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình đổi với chính phủ và các bên tham gia khai thác tài nguyên.

Thách thức ở đây là áp dụng những giải pháp và nguyên tắc đó vào trong một môi trường mà lòng tham và sự bất minh vẫn còn chiếm ưu thế.