Heritage “quảng bá” cho hoạt động sử dụng động vật hoang dã quý hiếm ?

ThienNhien.Net – Trên số tháng 3, tháng 4 năm 2007 của tạp chí Heritage, có một bài viết mang tên “Dân dã món ba ba” (Healing meals of turtle) – bài viết đề cập đến món ăn ngon từ ba ba. Điều đáng nói ở đây là tác giả của bài viết đã ít nhiều “động chạm” tới vấn đề bảo tồn các loài động vật quý hiếm – một vấn đề đang được xã hội và các cơ quan có chức năng quan tâm.

Heritage là tạp chí của Hãng hàng không Việt Nam (VietnamAirlines), được phát miễn phí cho hành khách đi trên các chuyến bay của Hãng. Đây là một tạp chí khá uy tín. Từ trước đến nay, Heritage được xem như một trong những nhịp cầu giúp nối liền khoảng cách giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Thông qua Heritage, hành khách trên các chuyến bay của VietnamAirlines sẽ được tiếp xúc, hiểu biết thêm những giá trị “di sản” của Việt Nam trên các mặt vật thể và phi vật thể. Nội dung khá phong phú, đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống Việt Nam xưa và nay, trình bày đẹp, hiện đại – đó là những điểm mạnh của tờ tạp chí này.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi trội đó, đọc Heritage, người đọc vẫn thấy có những “hạt sạn” đáng bàn. Trên các số tạp chí xuất bản tháng 3, tháng 4 năm 2007, bài “Dân dã món ba ba” (Healing meals of turtle), không hiểu vô tình hay vì một lý do nào khác, đã “động chạm” tới vấn đề sử dụng động vật hoang dã quý hiếm. Trong phần mở đầu tiếng Anh của bài viết này, có câu: “ The turtle is a rare reptile”. Ở góc độ bảo tồn, đây thực sự là một vấn đề đáng bình luận.

Trên thực tế, ba ba từ lâu đã trở thành đối tượng được nuôi phổ biến trên khắp cả nước ta, đem lại lợi nhuận lớn, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nhiều gia đình. Đây cũng là một nguồn dinh dưỡng có giá trị cao. Tuy nhiên, tác giả của bài viết trên lại đưa người đọc đến một suy nghĩ khác: “Rare reptile” được hiểu như là “các loài bò sát quý hiếm” nói chung. Theo đó, “Món ăn có phong cách dân dã” (tiếng Việt) và “ The turtle is a rare reptile” (tiếng Anh) đưa đến hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nếu đi sát theo ngôn từ như vậy, vô hình chung, bài viết này của Heritage đã góp phần “quảng bá” cho hoạt động sử dụng động vật hoang dã. Các cơ quan chức năng và cả xã hội đã và đang tìm cách kiểm soát và hạn chế hoạt động buôn bán động vật hoang dã, bảo vệ nguồn gen quý hiếm cho đất nước.

Một dòng nhỏ trong một bài viết, nhưng “thông tin” đưa đến lại không nhỏ chút nào. Nó “động chạm” tới một vấn đề có tính thời sự của đất nước ta hiện nay. Điều đáng nói, bài viết với những dòng chữ này sẽ đến tay bạn bè từ nhiều vùng miền trên thế giới. Họ sẽ nghĩ gì về các món “đặc sản” của Việt Nam, khi mà những “đặc sản” đó xuất phát từ nguồn nguyên liệu đang cần được bảo tồn. Có thể, đây chỉ là sự khác nhau về ngôn từ trên văn bản. Nhưng thiết nghĩ, Heritage nên “cẩn trọng” hơn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam thân yêu đến bạn bè thế giới.