Đà Nẵng xây dựng hệ thống xe buýt thân thiện môi trường

Với mục tiêu trở thành “Thành phố môi trường”, Đà Nẵng đang xúc tiến các dự án xe buýt thân thiện với môi trường và thuận tiện cho người khuyết tật

Ngày 03/05, Sở Giao thông – Công chính Đà Nẵng cho hay, được sự chấp thuận của hai Chính phủ Việt Nam và Đức, Sở GT-CC Đà Nẵng vừa ký với Ban Giao thông và Bưu điện khu vực Châu Á của Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) thỏa thuận tài chính về việc KFW hỗ trợ Đà Nẵng khoản tín dụng 300.000 EUR để nghiên cứu Dự án đầu tư hệ thống xe buýt thân thiện với môi trường.

Khoản tín dụng trên sẽ được sử dụng cho 2 hạng mục chính là thuê chuyên gia cao cấp có kinh nghiệm để hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình nghiên cứu dự án; và thanh toán cho các hoạt động tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án đầu tư. Theo kế hoạch, nguồn vốn sẽ được giải ngân trong năm 2008 phù hợp với tiến độ của dự án.

Theo Giám đốc Sở GT-CC Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, cùng với phát triển thương mại và du lịch, Đà Nẵng đang đặt mục tiêu trở thành “TP môi trường” đầu tiên của VN vào năm 2010. Theo dự báo, dân số Đà Nẵng sẽ đạt đến 1 triệu người vào năm 2010 và có thể lên đến 1,7 triệu người vào năm 2020; tỷ lệ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng trong những năm qua và đạt đến con số 17,2%.

Cùng với đà phát triển này, tình trạng ách tắc giao thông và ô nhiễm đã xảy ra tại một số vị trí cục bộ ở Đà Nẵng do số lượng phương tiện lưu thông gia tăng nhanh chóng. Bắt đầu xuất hiện sự thiếu hụt các bãi đỗ xe, việc tổ chức giao thông trên một số tuyến cũng còn nhiều lúng túng.

Trong khi đó, toàn TP chỉ mới có gần 50 xe buýt không được trợ giá với tổng cộng hơn 1.800 ghế và lưu thông chỉ trên 4 tuyến. Xe buýt chạy rời rạc, phối hợp các tuyến chưa hợp lý, phương tiện lạc hậu, thái độ phục vụ chưa tốt, thiếu truyền thông… đã làm cho hiện trạng mạng lưới xe buýt Đà Nẵng mất đi sức hấp dẫn đối với hành khách.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để giải quyết tốt bài toán giao thông đối với một đô thị có dân số từ 1 – 2 triệu người, ngoài các phương tiện có sức vận chuyển hành khách lớn như tàu điện ngầm, xe điện bánh sắt, xe điện bánh hơi thì vai trò của xe buýt hết sức quan trọng. Đối với đô thị có dân số nhỏ hơn, xe buýt phải là xương sống của mạng lưới giao thông đô thị.

Do vậy, với khoản tín dụng 300.000 EUR của KFW cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Đức (một quốc gia phát triển có mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, nhất là các phương tiện tàu điện cao tốc và xe buýt), Sở GT-CC Đà Nẵng sẽ tổ chức nghiên cứu và chuẩn bị một dự án đầu tư hoàn chỉnh cho mạng lưới xe buýt của TP với mục tiêu giải quyết tốt bài toán giao thông đô thị và bảo đảm môi trường bền vững.

Ông Đặng Việt Dũng cũng cho biết thêm, song song với dự án được KFW hỗ trợ, trong năm 2008, Sở GT-CC Đà Nẵng còn triển khai thí điểm dự án xây dựng môi trường tiếp cận giao thông công cộng cho người khuyết tật từ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ GTVT, với mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật trong việc tiếp cận với các tiện ích công cộng đô thị.

Trước mắt, dự án này sẽ được triển khai trên một tuyến thí điểm với các hạng mục như mở rộng khoang phục vụ của xe buýt, cải tạo các điểm chờ để tạo thuận lợi cho người khuyết tật lên xuống, ngoài ra còn có các hạng mục truyền thông nâng cao nhận thức và nâng cấp tay nghề cho lái xe và nhân viên phục vụ…