Bắc Kạn: Rừng nghiến Hảo Nghĩa bị tàn phá nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Nạn phá rừng tại xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã âm ỉ từ lâu, nhưng chỉ thực sự bùng phát từ khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cấp giấy phép tận thu thí điểm số 1463/GPKT-SNN, ngày 30/10/2008 cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển lâm, nông nghiệp Việt Nam (Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam) được phép khai thác tận thu 1.700m³ gỗ nghiến tại xã Hảo Nghĩa. Với giấy phép này, người dân nơi đây không còn mặn mà với việc giữ rừng, cùng với đó một số người vì lợi nhuận đã đua nhau chặt gỗ để tranh giành với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam.

Tan hoang rừng cổ thụ

Nằm giáp với xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia (Lạng Sơn), khu rừng nghiến núi đá của xã Hảo Nghĩa (Na Rì) rộng hơn 400ha, được coi là kho gỗ quý hiếm của tỉnh Bắc Kạn, với hàng vạn cây nghiến nghìn năm tuổi, có đường kính gốc khoảng 1,8m. Chính vì vậy, từ lâu rừng nghiến đã được rất nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh cũng như “lâm tặc” để ý. Tuy nhiên, những năm trước do được sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền, cùng với việc người dân nơi đây đều hiểu rằng, nếu rừng bị phá thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, chính vì vậy rừng được bảo vệ khá an toàn. Nhưng khi giá gỗ nghiến tăng cao và nguồn lợi từ rừng không được chia công bằng cho người dân giữ rừng thì mọi chuyện bắt đầu thay đổi.

Đến khu vực rừng nghiến xã Hảo Nghĩa, hàng trăm chiếc xe máy của “lâm tặc” cứ xếp dài bừa bãi như bãi xe công cộng. Trong rừng, tiếng cưa máy thi nhau gầm rú vang động cả khu rừng nguyên sinh, thỉnh thoảng lại nghe tiếng những cây nghiến đổ rầm, kéo theo nó là khoảng sáng trắng trời vì cây nghiến trăm năm tuổi ngã gục, sẽ đổ đè nhiều cây khác. Rừng nghiến xã Hảo Nghĩa không khác nào một đại công trường chặt hạ và xẻ gỗ.

Đi bộ sâu vào trong rừng, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra, chỉ chưa đầy 500m² tại khu vực rừng núi đá thung lũng Nặm Thuổm, xã Hảo Nghĩa có tới 4 cây gỗ nghiến, mỗi cây có đường kính trên 1,2m bị chặt hạ. Những cây nghiến mới bị chặt hạ còn đỏ tươi, ngồn ngang bìa bắp. Cứ mỗi cây gỗ nghiến bị chặt hạ là cả khoảng cây rừng gãy đổ theo.

Đi tiếp vào khu rừng thôn Khuối A, xã Hảo Nghĩa- nơi công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển lâm, nông nghiệp Việt Nam đang khai thác tận thu, tại lô ă, khoảnh 4, tiểu khu 221, phát hiện 2 cây nghiến bi chặt hạ, lá còn tươi, thân cây đã bị lấy đi gần hết.

Theo thông tin từ phía người dân, mỗi cây nghiến bị chặt hạ sẽ được xẻ thành những cụ thớt dày 20cm, rộng 45-60cm. Bán ngay tại chỗ cũng được 200.000 đồng/cục, nếu vận chuyển ra đến đường xe ôtô thì có giá 350.000 đồng/cục.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Ông Bùi Văn Định, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn cho biết, Chi cục đã thành lập Tổ công tác kiểm tra khu vực khai thác theo Giấy phép tận thu thí điểm của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn, cấp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam thuộc Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, được phép khai thác tận thu 1.700 m3 gỗ nghiến tại xã Hảo Nghĩa.

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy tại khu rừng thôn Khuổi A, tiểu khu 221, thuộc xã Hảo Nghĩa – nơi Công ty đang khai thác tận thu, Tổ công tác đã phát hiện 2 cây nghiến có khối lượng hơn 4m3 và 1 cây gỗ nhóm VI gần 2m3 mới bị chặt hạ, lá còn tươi, thân cây đang bị xẻ dở.

Ngoài ra, cạnh diện tích 56ha được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cấp phép khai thác tận thu cho Công ty, Tổ công tác còn phát hiện thêm 6 cây gỗ nghiến bị chặt hạ trái phép, với tổng khối lượng gần 38m3. Hiện Tổ công tác đã đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn điều tra, làm rõ đối tượng đã chặt hạ những cây gỗ trên.

Ông Bùi Văn Định cũng khẳng định, Tổ công tác chưa thống kê hết số diện tích rừng bị tàn phá tại xã Hảo Nghĩa. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục thành lập thêm Tổ công tác mới để kiểm tra toàn bộ diện tích rừng nghiến núi đá tại xã này sau đó, sẽ có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn để có biện pháp cụ thể giải quyết vụ việc.

Như vậy, rừng nghiến cổ thụ trên núi đá thuộc xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì đã bị chặt hạ cùng thời điểm giấy phép khai thác tận thu gỗ “nằm” đang có hiệu lực, trước sự bất lực của một Ban Chỉ đạo tận thu gỗ “nằm”, với sự tham gia đầy đủ các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn từ Lực lượng Công an, Chi cục Kiểm lâm, Báo chí địa phương.

Dư luận đặt câu hỏi nghi vấn, có hay không việc lợi dụng giấy phép khai thác tận thu gỗ nghiến “nằm” để chặt hạ những cây “đứng” trên rừng Hảo Nghĩa?./.