Rừng xanh đã trở thành vàng

Những cánh rừng ở Bắc Kạn không chỉ là lá phổi xanh của cả đất nước, mà còn giúp hàng chục ngàn hộ dân thoát nghèo, hàng ngàn hộ dân có tiền tỷ trong tay.

Làng tỷ phú

Khuôn Bang, một thôn vùng cao ở xã Như Cố, huyện Chợ Mới là điểm sáng trong việc phát triển kinh tế rừng của tỉnh Bắc Kạn. Cả thôn có 61 hộ dân, với hơn 95% là người dân tộc thiểu số, ngoài 4 hộ nghèo với lý do bất khả kháng là bệnh tật, già cả và không có người lao động, thì 57 hộ dân còn lại của thôn đều là hộ kinh tế khá giả trở lên.

Khuôn Bang có tới hơn 40 hộ gia đình, tương đương với khoảng 70% số hộ cả thôn có nhà kiểu biệt thự, xe ô tô con và nhiều máy móc sản xuất giá trị tiền tỷ trở lên. Tất cả có được nhờ thu nhập từ việc trồng rừng và thu hoạch từ rừng trồng. Điều này cũng lý giải vì sao một thôn vùng cao nhưng đường giao thông nông thôn lại được đầu tư đồng bộ, những căn nhà tầng, nhà sàn bằng bê tông hoành tráng với mái ngói đỏ tươi… Cảnh quan làng bản của Khuôn Bang đẹp như tranh vẽ ẩn mình giữa vùng rừng núi phủ bóng cây xanh tốt.

Một góc bản làng Khuôn Bang, nơi có hơn 70% người dân có tài sản tiền tỷ nhờ thu nhập từ rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khuôn Bang là thôn vùng núi hẻo lánh, xa trung tâm xã Như Cố gần 10km với đất rừng bao quanh. Trước những năm 2000, Khuôn Bang nghèo lắm, nhà nào cũng nghèo, không đói ăn nhưng tài sản không có gì, nhà cửa thì lụp xụp. Nhưng sau năm 2000, gần như cả thôn có thu nhập từ rừng trồng lên đến hàng trăm triệu đồng, đời sống người dân khá lên, xây được nhà mới, mua được tài sản có giá trị, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới… Sau đó thì nhà nào cũng trồng rừng, cứ có đất trống là trồng… Đến nay, cả thôn khá giả, người có tiền tỷ là chuyện bình thường ở Khuôn Bang.

Ông Vũ Sơn Hà, Trưởng thôn Khuôn Bang chia sẻ: Phong trào trồng rừng ở Khuôn Bang khởi nguồn từ từ năm 1995, khi cán bộ đến vận đồng nhân dân trồng rừng theo Chương trình 327, được hỗ trợ cây giống và công chăm sóc, lúc đó chỉ có 10 hộ trồng theo. Đến năm 1996, thấy việc trồng rừng phát triển tốt nên cơ bản các hộ trong thôn cũng trồng theo. Đến nay 100% người dân trong thôn trồng rừng và đã thu hoạch nhiều lần. Trung bình các hộ dân có thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm, một con số rất cao so với thu nhập bình quân của nông dân nói chung, chứ không chỉ riêng gì với những địa phương vùng cao như Khuôn Bang.

Bản thân nhà ông Hà cũng vừa bán được hơn 3ha rừng với giá 310 triệu đồng. Đây là rừng gỗ keo mà gia đình ông mới trồng từ năm 2015, thấy cây trưởng thành và được giá thì bán cả rừng cho người ta đến tự khai thác. Dự kiến sang vụ trồng rừng năm 2022, gia đình ông sẽ trồng mới luôn, tiếp tục xác định trồng rừng là hướng phát triển bền vững và cho thu nhập cao tại Khuôn Bang.

Trồng rừng đã thay đổi bộ mặt nông thôn mới ở huyện Chợ Mới. Ảnh: Toán Nguyễn.

Rừng là vàng

Ông Bùi Nguyên Quỳnh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Mới chia sẻ, việc trồng rừng đem lại rất nhiều lợi ích cho địa phương, độ che phủ rừng luôn đạt trên 71%, góp phần đảm đảm bảo vệ môi trường sinh thái trong lành và giữ gìn nguồn nước cho không chỉ cho riêng tỉnh Bắc Kạn mà còn là cả vùng đồng bằng Bắc bộ.

Trồng rừng rất phù hợp với hộ nghèo, chỉ phải trồng năm đầu và mất ít ngày chăm sóc vào năm thứ 2 rồi bỏ đó, sau 6 năm là cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng/ha. Hầu như người dân ở huyện Chợ Mới cứ có đất là trồng rừng, có hộ đã trồng tới chu kỳ rừng thứ ba, thứ tư.

Theo ông Quỳnh, số hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/chu kỳ nhiều không đếm xuể, các gia đình có thu nhập tiền tỷ từ rừng không còn là chuyện hiếm. Bên cạnh đó, cây hồi, cây quế ở vùng tiểu khí hậu phù hợp phía đông của huyện Chợ Mới như các xã Yên Hân, Yên Cư và Bình Văn, sau một chu kỳ nhiều hộ dân thu từ 300 – 400 triệu/ha.

Đặc biệt với cây hồi, mỗi người chỉ cần 1 lần trồng rồi thu hoạch cả đời, hàng năm cứ thu hoạch quả có nhà bán được lên tới cả trăm triệu/ha. Việc trồng rừng đã giúp tăng thu nhập bình quân đầu người gấp hàng chục, hàng trăm lần so với những năm 2000.

Thu hoạch rừng trồng tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bắc Kạn có nhiều nhà máy chế biến gỗ, trải dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ tại các huyện, thành phố. Tập trung nhiều nhất là huyện Chợ Mới, nơi có Khu công nghiệp Thanh Bình, với nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất sản phẩm gỗ công nghệ cao để xuất khẩu. Điều này rất tiện lợi cho người dân bán gỗ rừng trồng với giá cao nhất, doanh nghiệp có đủ nguyên liệu để chế biến sâu. Năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng không ảnh hưởng tới quá trình khai thác, vận chuyển nguyên liệu và sản xuất gỗ ở tỉnh Bắc Kạn.

Kém lợi thế hơn là các huyện vùng sâu, vùng xa như Pác Nặm và Ba Bể, nơi có ít nhà máy chế biến gỗ, nhưng phong trào trồng rừng cũng đã đi vào tiềm thức của người dân. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020, tại 2 địa phương này đã có 18.000 hộ dân được hỗ trợ trồng rừng, 660 hộ nghèo tham gia khoán bảo vệ, chăm sóc rừng.

Hiện nay, một ha cây keo, cây mỡ đến tuổi khai thác có giá trung bình từ 70 – 130 triệu đồng tùy theo khu vực, nhờ đó nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng tỷ đồng. Ngoài một số vùng trồng cây ăn quả đặc sản ra, trồng rừng thực sự đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Người dân đã không còn trông chờ, ỉ lại vào nhà nước đầu tư nữa, mà tự bỏ tiền hoặc vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư trồng rừng.

Những ngôi nhà xây to đẹp ở xã Xuân La, huyện Pác Nặm được xây dựng từ tiền bán gỗ rừng trồng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thu hút doanh nghiệp vào ngành gỗ

Theo Sở NN-PTNT Bắc Kạn, năm 2021 toàn tỉnh Bắc Kạn trồng thay thế sau khai thác và trồng mới được hơn 5.000 ha rừng, tăng 141% so với năm 2020. Bắc Kạn có diện tích rừng trồng lên đến gần 100.000 ha, diện tích có rừng gần 85%, độ che phủ rừng cao nhất cả nước, lên đến trên 73%, được ghi nhận như một “máy điều hòa không khí” khổng lồ của cả nước.

Việc phát triển rừng tại tỉnh Bắc Kạn đến nay cơ bản đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên hiện các địa phương vẫn còn rất ít các xưởng, nhà máy chế biến gỗ và chủ yếu là hoạt động thủ công, nhỏ lẻ. Những huyện vùng sâu như Pác Nặm và Ba Bể đã “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ. Điều này không chỉ tận dụng được nguyên liệu sẵn có, mà góp phần vào việc nâng cao giá trị rừng ở địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Đăng Bình (thứ 2 từ trái sang) rất quan tâm tới lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ. Ảnh: TL.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Bắc Kạn đã tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, với nhiều chính sách thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia trồng và chế biến gỗ.

Hiện nay, Bắc Kạn đã thu hút được một số dự án chế biến lâm sản có quy mô như: Dự án nhà máy chế biến gỗ Bắc Kạn công suất 120.000m3 ván dán các loại/năm của Công ty Cổ phần Đầu tư Govina; dự án chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam công suất 30.000m3 ván dán/năm, 200.000m3 ván sàn/năm; dự án đầu tư sản xuất chế biến gỗ công suất 12.000m3 sản phẩm ván dán/năm, 3.000m3 sản phẩm ván ghép thanh/năm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc; nhà máy gỗ xuất khẩu của Công ty Cổ phần Kẻ Gỗ…

Các dự án đi vào hoạt động sản xuất tương đối ổn định, đã tạo ra một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, ổn định đời sống trong tương lai của người trồng rừng Bắc Kạn.