Từ 1/6 quy định quản lý chất thải nguy hại có hiệu lực

ThienNhien.Net – Bộ TN&MT mới đây đã ban hành Thông tư 12/2011/TT-BTNMT quy định cụ thể về điều kiện cấp phép hành nghề, quản lý, đăng ký, vận chuyển chất thải nguy hại, đồng thời xác định tính chất cũng như trạng thái tồn tại của 19 nhóm chất thải nguy hại.

Đa số các nhóm chất thải nguy hại thuộc lĩnh vực chế biến, sản xuất, còn lại thuộc ngành y tế, nông nghiệp, giao thông, xây dựng, chất thải hộ gia đình và các nguồn thải sinh hoạt.

Chất thải từ ngành chế biến da cũng nằm trong nhóm chất thải nguy hại (Ảnh: VnExpress)

Các tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hành nghề quản lý chất thải nguy hại, bao gồm: các điều kiện về cơ sở pháp lý; điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật; điều kiện về nhân lực; điều kiện liên quan đến công tác quản lý; điều kiện khác.

Với 6 chương, 34 điều, Thông tư cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, cấp, thu hồi giấy phép quản lý chất thải nguy hại; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…

Thông tư áp dụng đối với cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến việc phát sinh chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại trên lãnh thổ Việt Nam. Không áp dụng đối với chất thải phóng xạ; chất thải ở thể hơi và khí; nước thải phát sinh nội bộ trong khuôn viên của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung được xử lý tại công trình xử lý nước thải của cơ sở hoặc khu đó.

Từ 1/6, Thông tư có hiệu lực, thay thế Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ TN&MT hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại và Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Danh mục chất thải nguy hại.