Thái Nguyên: Tăng cường quản lý rừng vùng giáp ranh

ThienNhien.Net – Thái Nguyên hiện có 20 xã giáp ranh với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang, trong đó chủ yếu là các xã miền núi, vùng cao có diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng còn khá nhiều. Đây là những khu vực hay xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra gần 170 vụ khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép, trong đó gần 30% số vụ xảy ra tại vùng rừng giáp ranh. Lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương tăng cường bảo vệ rừng, tuy nhiên kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Nguyên nhân là do các khu rừng giáp ranh đều xa khu dân cư, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, dẫn đến việc kiểm tra, phát hiện các vụ khai thác trong rừng còn hạn chế, kết quả ngăn chặn thấp. Bên cạnh đó, đời sống nhân dân vùng giáp ranh khó khăn, nhiều hộ sống dựa vào tài nguyên rừng, dễ bị đầu nậu thuê mướn vi phạm. Chênh lệch giá tại nơi khai thác đến nơi tiêu thụ đã mang lại siêu lợi nhuận cho các đối tượng mua bán và kinh doanh lâm sản (kể cả lâm sản có phép và trái phép).

Ngoài ra, diện tích rừng núi đá của Thái Nguyên hiện còn khoảng hơn 26.000 ha chưa giao đến chủ cụ thể để quản lý. bảo vệ. Lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương còn mỏng, cơ chế chính sách đãi ngộ bất cập, không khuyến khích người tham gia bảo vệ rừng. Trong khi đó, các đối tượng luôn có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như lợi dụng giao thông phức tạp, nhiều nhánh rẽ, vận chuyển gỗ vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, đêm tối với phương thức vận chuyển tinh vi nhỏ lẻ theo chiêu thức “tha lâu đầy tổ”. Hành vi vi phạm chủ yếu là cưa cắt gỗ thành thớt nghiến, vận chuyển từ rừng giáp ranh ở địa bàn Võ Nhai đi ngược về phía Lạng Sơn bán sang Trung Quốc.

Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm xây dựng phương án, quy chế phối hợp giữa xã với xã, huyện với huyện trong vùng để cùng thống nhất việc quản lý bảo vệ rừng như: Tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tới mọi người dân bằng nhiều hình thức như mở hội, giao lưu giữa các xã, họp kết hợp giữa các thôn, bản và tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng…

Cụ thể, qua quá trình thực hiện, các Hạt kiểm lâm các huyện: Võ Nhai, Định Hoá, Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ đã phối hợp chặt chẽ với các xã, Hạt kiểm lâm của các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn (Lạng Sơn); Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì (Bắc Kạn); Sơn Dương (Tuyên Quang); Yên Thế (Bắc Giang)… trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc phối hợp này bước đầu đã phát huy tác dụng, ngăn chặn được phần nào hành vi vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng, những rào cản về địa giới hành chính được khắc phục, kiểm lâm và chính quyền các xã, huyện vùng giáp ranh đã hưởng ứng nhiệt tình.

Phát huy kết quả này, kiểm lâm Thái Nguyên phối hợp cùng kiểm lâm các tỉnh vùng giáp ranh duy trì và tăng cường thực hiện tốt quy chế phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, thông tin kịp thời các tụ điểm khai thác, mua bán, tàng trữ lâm sản trái phép, tạo sức mạnh tổng hợp trong truy quét và quản lý địa bàn của các tỉnh; đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở, có cơ chế chính sách đãi ngộ với những người trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.

Khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Thái Nguyên hiện nay đó là lực lượng kiểm lâm được tăng cường xuống các xã chỉ có gần 100 người, trong khi toàn tỉnh có 125 xã có rừng, trung bình mỗi xã có từ 100 ha rừng trở lên. Do vậy, mỗi kiểm lâm viên phải phụ trách từ 1 đến 2 địa bàn, còn cán bộ lâm nghiệp xã thường phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc khác. Lực lượng mỏng, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm lâm ở cơ sở hầu như không có gì, nên hiệu quả làm việc thấp, có nơi rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”, ngăn chặn được nơi này thì nơi khác lại xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép…/.