Bò sát và ếch nhái ở Khu BTTN Vĩnh Cửu

ThienNhien.Net – Trong những chuyến khảo sát gần đây, các nhà khoa học đã ghi nhận một số loài ếch nhái và bò sát ở khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Chắc chắn đây mới chỉ là những ghi nhận bước đầu về đa dạng sinh học trong khu vực, còn rất nhiều tiềm ẩn của thiên nhiên tiềm đang chờ đợi được khám phá trong tương lai. Nhưng quan trọng hơn, các loài sinh vật đang rất cần sự quan tâm bảo vệ và gìn giữ không chỉ của nhà nước mà còn của cả chính cộng đồng chúng ta.

 
Loài Ễnh ương nâu có tên khoa học là Kaloula baleata, với màu sắc thân nâu tím, đầu nhỏ và nhọn nhưng bụng phình rất to. Loài này mới chỉ được biết đến ở các tỉnh Tây nguyên và Vườn quốc gia Cát Tiên. Trên thế giới chúng phân bố từ Ấn Độ đến Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Phi-lip-pin. Loài này được phát hiện ở sinh cảnh có các loài thực vật thuộc họ Cỏ Poaceae như Tre gai Bambusa stenostachya, Lồ ô Bambusa procera. Ễnh ương nâu thường trú ngụ trong hốc ở thân cây của các loài thực vật này. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung) 
 
Loài Nhái bầu trơn có tên khoa học là Micryletta inornata, với hoa văn rất đẹp có các đốm nâu sẫm nổi bật trên màu da xám nhạt trên lưng, chi màu vàng cam và các vệt ô-liu đứt đoạn bên sườn. Ở Việt Nam, loài này phân bố ở các tỉnh miền Trung vào đến miền Nam. Trên thế giới ghi nhận chúng phân bố từ Trung Quốc, qua vùng Đông dương đến Indonesia. Loài này được tìm thấy ở khu vực có nhiều loài thực vật thuộc họ Cỏ Poaceae như Tre gai Bambusa stenostachya, Lồ ô Bambusa procera, chúng thường trốn dưới thảm mục thực vật và rất ít khi bắt gặp vào ban ngày do có kích cỡ rất nhỏ và màu sắc lẫn với màu môi trường xung quanh. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung) 
 
 Loài Ếch gáy dô có tên khoa học là Limnonectes dabanus (trước đây còn có tên khác là Rana toumanoffi). Loài ếch này nổi bật với cơ thể chắc mập và có mấu xương gáy lồi hẳn về phía sau. Đây là loài ếch rất hiếm gặp, được xếp ở bậc sẽ nguy cấp (VU) trong Sách Đỏ của IUCN (2008). Ếch gáy dô mới chỉ ghi nhận ở các tỉnh Tây nguyên và một vài địa điểm ở miền Nam, ngoài ra còn ghi nhận ở Cam-pu-chia. Loài này được phát hiện ở các vũng nước nhỏ trong rừng Lồ ô Bambusa procera. Nơi đây có những tảng đá mẹ nằm rải rác trong khu suối đá tượng thuộc khu vực. (Ảnh: Nguyễn Thị Liên Thương)
 
 Loài Ếch cây nếp da mông có tên khoa học là Rhacophorus exechopygus, một loài mới được mô tả năm 1999 ở tỉnh Gia Lai. Sau đó loài này đuợc đưa vào Sách Đỏ của IUCN (2008) ở bậc sẽ nguy cấp (VU). Như tên của nó, loài này đặc trưng bởi nếp da nhỏ phía trên hậu môn. Do thích nghi với đời sống bám trên lá cây, ếch nếp da mông có đĩa bám lớn ở đầu các ngón tay và chân, màng bơi cũng rất phát triển, thân màu xanh rêu với các đốm vàng nâu, màng bơi màu đen, vào mùa sinh sản phía dưới đùi và màng bơi màu vàng cam. Trên thế giới, mới có ghi nhận của loài này ở Lào, trong nước chúng phân bố từ Quảng Trị vào đến các tỉnh Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên ghi nhận loài này ở tỉnh Đồng Nai và là ghi nhận xa nhất của loài về phía Nam. (Ảnh: Nguyễn Thị Liên Thương)
 
Loài Rắn rào Quảng Tây có tên khoa học là Boiga guangxiensis, với cơ thể mảnh dẻ, có các đốm đen và sọc màu kem nằm xen kẽ trên lưng, đặc biệt, nó có khả năng leo trèo rất giỏi để thích nghi với việc săn mồi trong các hốc cây. Loài này đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc, sau đó ghi nhận ở Việt Nam và Lào. Rắn rào quảng tây thường ở khu vực có nhiều loài thực vật thuộc họ Cỏ Poaceae như Tre gai Bambusa stenostachya, Lồ ô Bambusa procera, Chúng thường cuộn mình trong các đốt tre nơi có những cành là để ngụy trang và rình mồi. Thức ăn của loài này là những loài lưỡng cư như Ếch cây mép trắng, Ễnh ương nâu hoặc các loài động vật nhỏ như chuột. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung) 
 
 Loài Rắn hổ đất nâu có tên khoa học là Psammodynastes pulverulentus, một loài có đầu hình thoi, nhọn về phía trước. Mặc dù có răng nanh và cũng có khả năng tiết nọc, nhưng loài này lại được xếp vào nhóm rắn nước và nọc của nó không nguy hiểm như nọc các loài rắn hổ mang, cạp nia, và các loài rắn lục. Loài này khá phổ biển cả ở trong nước và trên thế giới (từ Trung Quốc, Ấn Độ qua Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a đến tận Phi-lip-pin). Loài này thường nằm cuộn mình trên những chiếc lá cây lớn thuộc họ Dâu tằm Moraceae để rình bắt mồi và ghi nhận có mặt hầu khắp các kiểu rừng thường xanh, rừng khộp, và rừng tre nứa. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)