Bảo tồn loài ếch lớn nhất thế giới trước nguy cơ tuyệt chủng

Ếch goliath (Conraua goliath) hiện là loài ếch lớn nhất thế giới và đang được xếp trong danh mục loại nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN. Mới đây, loài ếch này đã được đưa vào dự án bảo tồn do nhà bảo tồn người Cameroon Cedrick Fogwan sáng lập để cứu các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Dự án do Chương trình Lãnh đạo Bảo tồn (CLP) tài trợ và được điều hành bởi Tổ chức Động Thực vật Thế giới (FFI), Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế và Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS).

Cedrick Fogwan bế một con ếch goliath khổng lồ. Ảnh: Jeanne D’arc Petnga

Ếch goliath có thể dài tới 32 cm và nặng 3,25 kg. Môi trường sống của chúng tương đối nhỏ, tập trung ở Cameroon và Guinea Xích đạo.

Fogwan cho biết: “Khi nhận thấy chúng là độc nhất vô nhị, tôi đã nói đây là thứ không dễ bắt gặp ở nơi khác và tôi tự hào về điều đó. Người dân trong vùng cũng nói họ may mắn có được sinh vật như vậy và coi đó là một giá trị văn hóa”.

Cận cảnh chú ếch Goliath to bằng một chú mèo nhà (Ảnh: Cedrick Fogwan)

Suốt nhiều thập kỷ, ếch goliath bị săn bắt quá mức để làm thức ăn và thú cưng ở Cameroon và Guinea Xích đạo. Môi trường sống ven sông suối của loài sinh vật này cũng đang bị phá hủy nhanh chóng.

Loài ếch này vẫn còn nhiều bí ẩn với giới khoa học. Ngay cả ở Cameroon, nhiều người địa phương cũng không rõ về giá trị của chúng với hệ sinh thái, chẳng hạn như như săn bắt côn trùng phá hoại mùa màng.

Nhóm các nhà bảo tồn đang nỗ lực thuyết phục các thợ săn trở thành những nhà khoa học công dân, ghi chép lại những lần bắt gặp ếch goliath thay vì biến chúng thành thức ăn. Nhóm cũng làm việc với các tổ chức địa phương để nuôi ốc, cung cấp nguồn thực phẩm thay thế.

Các nỗ lực bảo tồn dần mang lại kết quả khi loài ếch khổng lồ đang xuất hiện trở lại trên những dòng sông trong Khu bảo tồn Núi Nlonako. Mới đây, một người từng săn trộm đã báo cáo về việc phát hiện người dân trong vùng bắt được một con ếch goliath. Ông Fogwan đã tới giải cứu và đưa chú ếch về lại tự nhiên.

Bích Ngọc (Theo BBC)

Nguồn: