Cà Mau: Huyện U Minh bị xâm nhiễm mặn và khô hạn hoành hành rừng tràm

ThienNhien.Net – Hiện nay, một số khu vực trên đồng đất huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đang bị xâm nhiễm mặn, đồng thời nắng nóng, khô hạn gay gắt đang hoành hành rừng tràm U Minh hạ và ngày càng tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng như công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Tại xã Khánh Lâm ( huyện U Minh), nước mặn hầu như tràn ngập, xâm nhiễm hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp xã này, gây xáo trộn hệ sinh thái ngọt, môi trường biến động, nông dân không thể cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, cải tạo ao đìa nuôi cá, chuẩn bị sản xuất vụ mùa sắp tới.

Ngoài nguyên nhân một bộ phận nông dân ở đây lén lút xả mặn trái phép vào đất trồng lúa để nuôi tôm thì hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng chưa đầu tư xây dựng đồng bộ, nước mặn dễ dàng xâm nhiễm vào đồng đất. Bên cạnh đó, hệ thống cống thủy lợi như: Bà Mụ, Mười Quân, Cây Bàng, Sáu Tiến nằm trên tuyến lộ U Minh – Khánh Hội và phục vụ giao thông thủy – bộ, vừa ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất, nhưng không ngăn được mặn triệt để. Nông dân ở đây sốt ruột, lo lắng cho mùa vụ sắp tới bị thất bát, thua lỗ vì nhiễm mặn, chi phí sản xuất tốn kém nhưng năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, nguồn lợi kinh tế lúa và cá đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, hiện có gần 14.000 ha rừng bị khô hạn, trong đó hơn 13.000 ha dự báo cháy cấp II, cấp III và số diện tích còn lại báo động cháy cấp IV, cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Diện tích khô hạn này đang tăng nhanh từng ngày, nhất là vào giai đoạn cao điểm mùa khô trở về sau.

Huyện U Minh đang triển khai các biện pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng xâm nhiễm mặn trên đồng ruộng giúp nông dân cày ải phơi đất như: xử lý nghiêm các hộ dân xả mặn trái phép vào đất nông nghiệp nuôi tôm, buộc họ cam kết không tái phạm; phối hợp với ngành chức năng xử lý hệ thống cống thủy lợi trên tuyến U Minh – Khánh Hội, đảm bảo ngăn mặn triệt để; gia cố, bồi trúc và nâng cấp một số tuyến đê bao, cống bọng bị hư hỏng xuống cấp phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt.

Huyện phối hợp với các đơn vị chủ rừng triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên toàn lâm phần, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng lén lút vào rừng ăn ong, khai thác cá đồng trái phép, bất cẩn gây cháy rừng; tổ chức trực chiến 24/24 giờ ở những khu vực khô hạn trước nguy cơ có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô.