Cà phê Việt cần thân thiện môi trường

Cây cà phê của Việt Nam ngày càng phải “có trách nhiệm” hơn với những vấn đề về phát triển bền vững.

Trồng cà phê theo mô hình phát triển bền vững tại Việt Nam. (Ảnh: QH)

Cuộc thi lớn của ngành quảng cáo Vietnam Young Lions 2019 đã trao giải Bạc cho đội FEARLESS với đề xuất ý tưởng thay đổi nhận thức của người dùng cà phê từ Coffee Blind (chưa có đủ nhận thức về tình trạng cà phê Việt Nam và việc hạt cà phê chất lượng thấp có thể gây hại sức khỏe người dùng) đến Coffee Mind (có đầy đủ nhận thức về chất lượng hạt cà phê và biết lựa chọn sử dụng cà phê chất lượng cao).

Theo dấu chân carbon

Những vấn đề mà các bạn trẻ FEARLESS đặt ra cũng là bài toán mà cây cà phê Việt Nam đối mặt nhiều năm qua. Là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng ngành cà phê Việt Nam đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài. Đó là chất lượng cà phê còn hạn chế do hình thức canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, thiếu quy trình chuẩn, cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc. Diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng, ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng, nguồn tài nguyên nước bị khai thác không hiệu quả gây lãng phí.

Năm 2018, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,882 triệu tấn trị giá 3,544 tỉ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 1,2% về trị giá so với năm 2017. Là một trong những nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới và cũng là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của nông nghiệp Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỉ USD/năm, nhưng cà phê Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, giá trị gia tăng thấp.

Ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn, cho biết, cà phê là một sản phẩm tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và những vấn đề liên quan đến chất lượng luôn được người tiêu dùng quan tâm. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, thương hiệu cà phê Việt cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần xây dựng một ngành công nghiệp cà phê bền vững.

Chương trình Sáng kiến Cảnh quan bền vững (ISLA) của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH, do Agri-Logic biên soạn đã “lần theo dấu chân carbon” của cây cà phê trên khắp thế giới. Dữ liệu này dựa trên số liệu của các công ty kinh doanh cà phê như JDE Coffee, Lavazza, Olam và Acom…

Theo IDH, các trang trại trồng cà phê monocrop là nguồn phát thải carbon, mỗi năm giải phóng 0,37 tấn CO2 trên mỗi tấn cà phê được sản xuất. Ông Daan Wensing, Giám đốc Cảnh quan Toàn cầu tại IDH, cho biết, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa đòi hỏi phải xem xét lại các hệ thống canh tác trong đó có sản xuất cà phê. Cùng với việc sử dụng phân bón và nước hiệu quả hơn, đa dạng hóa có thể đi đầu trong nỗ lực sản xuất cà phê tích cực.

Cây cà phê nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung vẫn còn những hạn chế trong thích ứng với bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu: việc canh tác không đúng kỹ thuật làm tăng lượng khí carbon, giảm nguồn hữu cơ cho đất, tăng xói mòn…

Trong khi đó, xu hướng sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng trên thế giới. Ngược lại, các sản phẩm gây hại môi trường, tiêu tốn tài nguyên, năng lượng… phải hứng chịu làn sóng tẩy chay mạnh mẽ. Vì vậy, các thương hiệu tiêu dùng lớn đều nhận thức được trách nhiệm của họ trong vấn đề này, đặc biệt là gắn liền với quy trình phát triển bền vững.

Cây cà phê sinh thái

Một thương hiệu toàn cầu là Nestlé cũng có chiến lược tương tự với các thương hiệu cà phê của Hãng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đại diện của Nestlé cho biết, hằng năm, công ty này thu mua 20-25% tổng sản lượng cà phê (trị giá khoảng 500 triệu USD) để sản xuất cà phê cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Từ năm 2011, Nestlé triển khai dự án Nescafé Plan phát triển cà phê bền vững tại 5 tỉnh trồng cà phê trọng điểm, định hướng đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới. Theo đó, ông Ganesan Ampalavanar, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết Nestlé phải giải bài toán tăng thu nhập cho người nông dân trồng cà phê tại Việt Nam, trong khi vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường.

Starbucks cũng hợp tác với Tổ chức Bảo tồn Quốc tế nhằm tiến hành các chương trình thí điểm cải tiến quá trình sản xuất cà phê, bảo tồn và khôi phục môi trường sống tự nhiên và tìm hiểu các cơ hội hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường carbon trồng rừng.

Một công ty sản xuất cà phê khác của Việt Nam là Phúc Sinh cũng theo đuổi dự án Phát triển cà phê bền vững UTZ để phát triển dòng cà phê bền vững có chứng nhận. Tổng Giám đốc Phúc Sinh Kiều Kim Khánh cho biết, dự án này có nhiệm vụ giúp người sản xuất cà phê và thương hiệu cà phê thể hiện sự cam kết sản xuất cà phê có trách nhiệm, đáng tin cậy và hướng đến thị trường. Khi tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ loại cây giống cà phê có chất lượng tốt, bên cạnh đó là sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật trong chăm sóc vườn cây (cắt tỉa cành, bón phân hợp lý, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước tiết kiệm…) từ các chuyên gia.

Theo định hướng đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ đạt 4,5 tỉ USD, trong đó cơ cấu sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan sẽ tăng từ 10% hiện nay lên 25%. Ông Nich Reitmeier, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Thu mua ngành hàng thực phẩm, ẩm thực quốc tế và thức uống có cồn của Central Group, tại Việt Nam, Central Group có khoảng 40.000 nhà cung ứng, trong đó hơn 90% là hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, tại Thái Lan, mới có khoảng 50 sản phẩm hàng hóa Việt Nam có mặt trong các siêu thị thuộc Central Group, chủ yếu là cà phê và trái cây sấy. Bởi vì thị trường Thái Lan luôn đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nhập khẩu rất cao. Do đó, trước các yêu cầu từ thị trường trong và ngoài nước, nông dân trồng cà phê và các nhà sản xuất cà phê của Việt Nam nên coi các yếu tố phát triển bền vững là một khoản đầu tư đáng giá cho việc nâng cao giá trị của sản phẩm cà phê Việt Nam.