Nông nghiệp phải huớng đến sản xuất đồng bộ

ThienNhien.Net – Là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai lại có thế mạnh rất lớn về phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, tỉnh không ngừng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa những giống mới vào sản xuất nên dù ngành có nhiều biến động bất lợi nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.

Những kết quả đạt được

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, tuy giá tất cả các vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp đều tăng cao, nhưng tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh vẫn đạt 5,6%. Tổng diện tích các loại cây trồng vẫn đạt trên 300 ngàn hécta và năng suất các loại cây trồng đều tăng từ 1-3 tạ/hécta. Chăn nuôi vẫn đảm bảo đàn heo 1,2 triệu con, gà hơn 5 triệu con và không để xảy ra dịch bệnh.

Để có được những thành quả trên, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu và ban hành quy trình công nghệ cao trên cây ăn trái và cây công nghiệp dài ngày, các trung tâm Khuyến Nông, Chi cục BVTV, Chi cục Thú y đã phối hợp với địa phương chuyển giao cho nông dân các tiến bộ kỹ thuật về: xử lý ra hoa trái vụ; tưới, bón phân và chăm sóc cây công nghiệp, cây ăn trái lâu năm theo quy trình công nghệ cao, giảm lượng nước tưới, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, hạn chế sâu bệnh; sử dụng giống mới, bón phân cân đối, thực hiện chương trình IPM, sạ lúa theo hàng, áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng…

Cụ thể, trên cây lúa, nhiều nông dân đã đưa giống lúa lai và một số giống mới vào gieo trồng đưa năng suất lên 6-9 tấn/hécta, cao gấp 2 – 2,5 lần giống lúa thường. Với cây bắp, ngoài việc đưa những giống năng suất cao như G49, NK54…, nông dân còn áp dụng kỹ thuật trồng bắp hàng kép, kết quả đạt trên 10 tấn/hécta. Với cây tiêu, nhiều địa phương có năng suất 9-10 tấn/hécta, tiêu biểu còn có hộ đạt 11 tấn/hécta…

Trong chăn nuôi đã phổ biến người dân áp dụng quy trình chăn nuôi trong chuồng kín, có hệ thống thông gió, làm mát, xử lý chất thải bằng biogas; thực hiện tốt công tác tiêm phòng, không để xảy ra dịch bệnh. Ngành cũng đã tập trung nhân rộng các mô hình nuôi cá giống có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với môi trường như: cá rô, cá lăng nha, thác lác, bống tượng, tôm càng xanh… Năm 2008, toàn tỉnh đã chuyển đổi diện tích lúa sang trồng bắp vụ Đông Xuân đạt 332 hécta, rau đạt 400 hécta. Việc chuyển đổi này đã mang lại hiệu quả khá cao.

Những giải pháp phát triển nông nghiệp năm 2009

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, năm 2009, tình hình tiêu thụ nông sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn do biến động của thị trường. Vì thế, Đồng Nai cần tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm chi phí đầu vào đồng thời đảm bảo an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, trong năm 2009, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào 9 chương trình hành động cụ thể về phát triển cây trồng, vật nuôi; thuỷ lợi; lâm nghiệp; thuỷ sản; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại… Trọng tâm là chuyển dịch nhanh diện tích trồng lúa sang trồng bắp và các cây màu trong vụ Đông Xuân, triển khai nhanh những dự án cây trồng chủ lực đã được phê duyệt và cho ứng dụng ngay những tiến bộ khoa học kỹ thuật theo quy trình công nghệ cao vào sản xuất…

Còn Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT Phạm Văn Dư thì cho rằng, tiêu thụ nông sản trong năm 2009 sẽ không quá khó khăn như dự báo. Hiện giá nhiều các loại nông sản đã bắt đầu tăng, cụ thể như giá gạo xuất khẩu trong tháng 2-2009 đã tăng trên dưới 100 USD/tấn, kéo theo giá lúa trong nước cũng tăng thêm hơn 1.000 đồng/kg. Ngoài ra, bắp, tiêu, cà phê cũng bắt đầu tăng nhẹ. Tuy nhiên, để đảm bảo sản xuất luôn có lời, nông dân phải đồng loạt áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành và tăng năng suất.

Đặc biệt ở Đồng Nai, địa phương có nhiều thế mạnh về cây ăn trái, tiêu và cà phê nhưng cho đến nay những loại cây trồng này vẫn chưa được sản xuất theo quy trình sản xuất đồng bộ, dẫn đến chưa đảm bảo về điều kiện an toàn vệ sinh. Vì vậy, theo ông những kết quả Đồng Nai đạt được vẫn chưa tương xứng với địa phương, nên trong thời gian tới địa phương cần tập trung ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nhiều hơn nữa. Bởi thị trường trong và ngoài nước đang cần những sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Nhất là khi trái cây muốn xuất khẩu được thì phải thực hiện theo quy trình GlobalGAP.