CDM cho các trang trại chăn nuôi

ThienNhien.Net – Ngày 23-2, tại khách sạn Đồng Nai, Công ty Cổ phần CP Việt Nam phối hợp với Công ty Asian Carbon Global (ACG) tổ chức hội thảo cơ chế phát triển sạch cho các dự án trang trại chăn nuôi với hơn 30 chủ trang trại chăn nuôi heo trong và ngoài tỉnh tham dự.

Buổi hội thảo đưa ra một giải pháp đem lại lợi nhuận từ việc xử lý chất thải chăn nuôi gây nhiều ngạc nhiên thú vị cho những người tham gia. Điểm nhấn của buổi hội thảo này là ý tưởng người chăn nuôi Việt Nam ngoài việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu giảm chi phí đầu vào trong sản xuất thì còn có thể thu lợi từ việc sử dụng nguồn năng lượng đó. Đây là khái niệm hoàn toàn mới ở Việt Nam, đặc biệt với các chủ trang trại nuôi gia súc có quy mô lớn. Các nhà chuyên môn gọi đó là CDM.

Cơ chế phát triển sạch: vẫn còn là khái niệm mới

Theo Công ty ACG việc người nông dân sử dụng chất thải làm chất đốt, làm điện… được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng từ rất lâu. Người chăn nuôi ở các nước này đang thu được một khoản lợi nhuận rất lớn từ việc bán chứng chỉ phát thải. Ở Châu Á có Trung Quốc, Ấn Độ, gần kề nhất là Thái Lan và Malaysia… Là đại diện duy nhất ở Việt Nam có khả năng bán các chứng chỉ phát thải ra thế giới, ACG đang tiến hành thăm dò thị trường giàu tiềm năng này và phối hợp với Công ty C.P trong việc thực hiện dự án sử dụng cơ chế phát triển sạch (CDM) cho các trang trại chăn nuôi, qua đó nhằm đạt được một chứng chỉ giảm phát thải để đưa lên sàn giao dịch và bán ra.

Vậy CDM là gì? CDM là cụm từ viết tắt của Clean Development Mechanism, xuất phát từ Nghị định thư Kyoto ra đời tháng 12/1997 và có hiệu lực từ 16/02/2005 với những quy định về tỉ lệ giảm phát thải đối với các quốc gia phát triển và các hình thức xử phạt nếu không tuân thủ. Nghị định thư bắt buộc những quốc gia thành viên bằng mọi giá phải cắt giảm phát thải khí nhà kính của họ xuống 5,2% so với mức phát thải tại thời điểm năm 1990 (giai đoạn 2008-2012). Đây thực sự là trách nhiệm nặng nề đối với những quốc gia công nghiệp hóa. Bởi khoản chi phí đầu tư cho việc cắt giảm khí thải tại các nước này là không nhỏ, đồng thời nó cũng làm ảnh hưởng đến năng suất của các ngành công nghiệp chính ở các quốc gia đó, nơi có lượng khí thải chủ yếu.

Nhằm giúp các nước này đạt được mục tiêu của mình, Nghị định thư Kyoto thiết lập ba “cơ chế mềm dẻo”: “Mua bán phát thải” (mua bán các chứng chỉ phát thải giữa các nước phát triển); “Đồng thực hiện” (mua bán các chứng chỉ giảm phát thải thông qua các dự án giảm phát thải thiết lập tại các nước phát triển) và “Cơ chế phát triển sạch – Clean Development Mechanism, CDM”. CDM là cơ chế duy nhất có liên quan tới các nước đang phát triển. Cơ chế này cho phép các nước phát triển đạt được một phần nghĩa vụ của mình thông qua các dự án giảm phát thải tại các nước đang phát triển. Mục tiêu chính của CDM là giúp đỡ các nước đang phát triển đạt phát triển bền vững, tạo thuận lợi cho các nước phát triển đạt được mục tiêu giảm phát thải của mình thông qua các dự án triển khai tại các nước đang phát triển.

Khi một dự án CDM đi vào hoạt động, sản phẩm của nó sẽ là các CER và lợi nhuận sẽ thu được từ việc mua bán, trao đổi các CER này. Sau khi Cộng hòa Liên bang Nga ký kết tham gia, các CERs này bắt đầu được mua bán trên thị trường và trở thành một loại hàng hóa. Hiện Liên minh Châu Âu và một số nước phát triển đang là những người mua các chứng chỉ phát thải này. Lượng khí nhà kính thu được từ mỗi dự án CDM sẽ được đo lường bằng các phương pháp đã được quốc tế thông qua và được thể hiện bằng đơn vị đo lường chuẩn gọi là các CERs – “Certified Emission Reductions”(1CER = 1 tấn CO2). Theo thông tin từ Công ty ACG thì mỗi CER được chào bán với giá từ 8-10 USD.

CDM: Lợi cả đôi đường!

Việc Công ty C.P đứng ra phối hợp với ACG nhằm đưa đến một cơ chế phát triển sạch cho trang trại chăn nuôi đồng thời đạt được mục tiêu xã hội là giảm ô nhiễm môi trường đang được sự đồng thuận của nhiều chủ trang trại. Ông Kiều Minh Lực: Trợ lý Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi C.P, phụ trách mảng di truyền giống vật nuôi cho biết: “C.P nhận thấy khả năng để bán chứng chỉ phát thải của người chăn nuôi là khả thi nên đã chủ động phối hợp với ACG để nghiên cứu thực hiện dự án này nhằm mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của môi trường và an sinh xã hội Việt Nam”.

Ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều chủ trang trại đã dùng phương pháp Biogas để xử lý chất thải làm khí đốt, sưởi ấm, chạy điện,… tuy nhiên mức độ, quy mô còn phân tán và nhỏ lẻ, vì vậy dự án này nếu được thực thi trên thực tế sẽ đem lại lợi ích nhiều phía. Đối với môi trường, sẽ giảm đáng kể một lượng các chất gây hại cho khí quyển cũng như giảm tối đa tác hại của mùi hôi lên vùng dân cư xung quanh trang trại. Về mặt kinh tế chủ chăn nuôi có thể tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ đồng thời có thể thu lợi từ việc bán chứng chỉ giảm phát thải. Về mặt quốc gia, dự án này góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam trong việc thực hiện các điều khoản trong Nghị định thư.

Theo tính toán, một trang trại có quy mô 10.000 con heo, nếu thực hiện xử lý chất thải theo cơ chế sạch sẽ giảm được 60.000 tấn CO2/năm. Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến cũng là một lợi ích lớn, giúp người nông dân trong nước cải thiện cách làm cũ với hiệu quả thấp. Những gì nhận thấy được ở một dự án vừa mang tính nhân văn vừa mang tính kinh tế trên là có thể hình dung được tuy nhiên để chứng chỉ phát thải này có thể đưa lên sàn giao dịch thì phải trải qua rất nhiều quy trình khắt khe dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các tổ chức và chuyên gia quốc tế về môi trường.

Cô So Yong Jang, đại diện Công ty ACG cho biết: Sau quá trình khảo sát, nếu dự án này thật sự khả thi, công ty sẽ tìm nguồn hỗ trợ của các nước phát triển về vốn, công nghệ tiên tiến, nhân lực hỗ trợ các trại chăn nuôi đầu tư cho quy trình xử lý chất thải, giúp Việt Nam thực hiện dự án và bán chứng chỉ giảm phát khí thải ra thế giới. Sau buổi hội thảo, công ty sẽ tiến hành gửđến mỗi trang trại chăn nuôi một dữ liệu gồm các câu hỏi điều tra về khả năng thực hiện dự án trong thời gian tới.