Lâm Đồng: Trăn trở từ một vùng dược liệu

ThienNhien.Net – Theo từ điển dược học, Atisô là một cây thuốc lợi mật, ổn định tế bào gan, tăng tính chống độc của gan, hạ cholesterol, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch. Ngoài ra đây còn là loại rau có thể chế biến ra nhiều loại thức ăn, thức uống rất ngon miệng và bổ dưỡng. Với những đặc tính nổi trội ít loại cây nào có được, Atisô- một trong ba đặc sản của Đà Lạt đã từng được chọn để phục vụ trong các bữa ăn tại Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên loại cây trồng này đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ tại vùng đất mà nó đã từng giúp hàng trăm hộ nông dân làm giàu.

Mặc dù sản phẩm làm ra thường được bán hết với giá ổn định nhưng từ hai năm nay, ông Vũ Ngọc Tiến, phường 12, TP Đà Lạt đã chặt bỏ hơn 3 sào Atisô nhà mình để chuyển sang trồng hoa cúc. Số diện tích chừng một sào ông để lại thật ra không phải để kinh doanh mà là để làm thực phẩm sử dụng trong gia đình và “tri ân” thứ cây trồng đã từng giúp gia đình ông thoát nghèo. Ông Tiến cho biết, nếu so với trồng Atisô thì trồng hoa thời điểm hiện nay cho lãi gấp tới hai lần.

Cách vườn ông Tiến không xa, anh Trần Trí trên đường Ngô Gia Tự, mấy tuần nay cũng đang gấp gáp nhổ những gốc Atisô cuối cùng để lên luống trồng hoa cát tường. Anh Trí than vãn: “Với tình hình giá cả vật tư cao ngất trời như hiện nay nếu tiếp tục trồng Atisô có lẽ gia đình tôi sẽ rơi vào cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt mất”. Diện tích cây Atisô ở Đà Lạt đang từng ngày bị thu hẹp xuất từ thực tế như vậy.

Atisô là loại cây dược liệu đặc biệt của Lâm Đồng nhưng chủ yếu được trồng tập trung ở phường 12, TP Đà Lạt do điều kiện thời tiết thổ nhưỡng ở đây tỏ ra là phù hợp với loại cây trồng này. Vùng đất này còn có tên gọi là Thái Phiên. Còn nhớ những năm 1999-2000, nơi đây diện tích cây Atisô có lúc đã lên tới trên 60 ha. Tuy nhiên đến tháng 02/2009 vùng đất này chỉ còn vổn vẹn khoảng 25 ha.

Nhiều hộ nông dân không còn mặn mà, thậm chí là quay lưng lại với cây Atisô – loại cây từng đã một thời giúp họ thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình. Theo bà con nông dân tại đây, so với canh tác hoa thì Atisô dễ trồng, vốn đầu tư lại không cao, rủi ro trong kinh doanh cũng không lớn. Tuy nhiên, do hầu hết diện tích Atisô ở đây đều là những giống cũ có từ cách đây hơn 40 năm nên năng suất quá thấp, chất lượng kém nên tiền bán sản phẩm làm ra không đủ để bù lại kinh phí đầu tư đắt đỏ như hiện nay.

Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP Đà Lạt cũng đã thừa nhận một thực tế là sau khi cây hoa ở đà lạt “lên ngôi” bà con nông dân ở đây đã chuyển phần lớn diện tích trồng Atisô trước đây sang trồng hoa. Chỉ còn những hộ nông dân gắn bó lâu đời với cây Atisô thì họ mới giữ lại một phần diện tích khá khiêm tốn để trồng với mong muốn lưu giữ một chút gì đó mang nét đặc trưng vốn có của Đà Lạt. Cũng theo ông Dinh, số hộ trồng Atisô của địa phương này tính đến tháng 02/2009 chỉ còn khoảng 100 hộ, trong đó hộ trồng nhiều nhất cũng chỉ khoảng 3-4 sào.

 
Lam Dong
Rất nhiều vườn Atisô tại Đà Lạt nay đã được thay thế bằng những vườn hoa như thế này.

Điều mong mỏi lớn nhất của người dân vùng cây dược liệu hiện nay là chính quyền TP. Đà Lạt quy hoạch nơi đây thành một vùng chuyên canh cây Atisô ổn định về quy mô diện tích, thay đổi những giống Atisô cũ không còn phù hợp, bên cạnh đó cũng cần có những phương án hỗ trợ thỏa đáng về kinh phí đầu tư, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để họ yên tâm sản xuất. Có vậy mới hy vọng TP Đà Lạt giữ được “thương hiệu Atisô” nổi tiếng của mình.

Xuất phát từ nỗi trăn trở chung của những người nông dân trồng Atisô, từ năm 2002, Phòng Công – Nông nghiệp TP Đà Lạt đã nhập về một loại giống Atisô mới có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tuy nhiên dự án này sau đó cũng bị bỏ dỡ do thiếu kinh phí đầu tư. Cũng vơí mong muốn xây dựng được một vùng cây dược liệu đảm bảo chất lượng cung cấp cho các nhà sản xuất một cách thường xuyên.

Năm 2007, một đề tài nghiên cứu của Viện công nghệ hóa học đã tiến hành khảo sát thành phần polyphenolflavonoid có tính kháng oxy hóa. Trên cơ sở nghiên cứu này, ngành dược Lâm Đồng có thể đầu tư mở rộng sản xuất mặt hàng mới từ cây Atisô theo tiêu chuẩn GMP. Đề tài “Xây dựng công nghệ ly trích hợp chất có hoạt tính sinh học trong dược liệu Atisô với hiệu suất cao” do PGS.TS Nguyễn Ngọc Hạnh, Viện Công nghệ hóa học làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu tại Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng có thể sẽ là cơ sở quan trọng để khôi phục lại vùng dược liệu ở Đà Lạt. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch UBND phường 12- Đà Lạt cho biết thì đã bao nhiêu năm qua, địa phương này vẫn chưa thấy bóng dáng một cơ quan, ban ngành nào đến đây để hỏi thăm về việc trồng Atisô của người dân.

Được biết trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Đà Lạt ngày một tăng, các cơ sở chế biến Atisô trong thành phố cũng mọc lên như nấm sau mưa. Ước tính hiện TP Đà Lạt có trên 30 cơ sở chế biến Atisô. Các công ty, cơ sở này chủ yếu dùng cây Atisô để chế biến trà túi lọc hoặc bán bông Atisô khô cho khách du lịch. Chuộng nhất vẫn là một số nhãn hiệu như trà Vĩnh Tiến, Thái Bảo, Ngọc Duy. Tuy vậy, do nguồn nguyên liệu có trong nhân dân không đảm bảo được chất lượng cần thiết nên các công ty này cũng không mặn mà thu mua.