Sớm khắc phục tình trạng suy thoái rừng luồng

ThienNhien.Net – Luồng là một trong số cây thế mạnh của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là Thanh Hóa. Luồng có nhiều công dụng: làm nhà ở, sử dụng trong kiến trúc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu cho công nghiệp giấy… Đáng chú ý là rừng luồng có tác dụng phòng hộ và duy trì cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều rừng luồng đang trên đà suy thoái, giảm cả về chất lượng và năng suất, mặc dù diện tích luồng không ngừng tăng lên.

Tại các huyện miền núi Thanh Hoá, theo tính toán của Hội Khoa học Lâm nghiệp cho thấy, nếu khai thác 70% diện tích hiện có với năng suất khoảng 600 cây/ha, thì mỗi năm sản lượng khoảng 24 triệu cây, nhưng trên thực tế tỷ lệ bình quân trong nhiều năm qua chỉ đạt khoảng 10 triệu cây.

Theo ông Trương Văn Huy (Hội Khoa học Lâm nghiệp), để khắc phục tình trạng suy thoái rừng luồng, cần triển khai ngay các biện pháp hành chính và kỹ thuật như: nghiêm cấm khai thác luồng trong mùa măng, cấm lưu thông măng luồng trong thời kỳ ra măng hữu hiệu (khoảng từ ngày 5/7- 15/7). Chỉ được sử dụng măng cuối vụ, gọi là lứa măng rươi và măng chét, tức lứa măng ra khoảng thời gian từ 25/7 đến 30/8 và tới 15/9. Cấm chặt cây non, để lại cây to làm giống với tỷ lệ hợp lý. Tiến hành làm vệ sinh cho từng bụi luồng, bao gồm chặt bỏ các cây còi cọc, sâu bệnh, cụt ngọn, cây không có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế. Đào bỏ các gốc chặt quá cao, phát dọn dây leo cỏ dại xung quanh bụi luồng, khai thác hết cây già cỗi, có thể cuốc xới, vun gốc, bón phân cho những bụi luồng đã và đang suy thoái nhưng còn khả năng hồi phục, kiên quyết trồng lại hoặc trồng dặm đối với những rừng luồng đã thoái hóa hoặc mật độ còn dưới 200bụi/ha.

Ngoài ra, cần xây dựng một số mô hình về thâm canh luồng theo mục đích kinh doanh, như kinh doanh cây luồng hàng hóa, luồng nguyên liệu giấy, luồng kinh doanh măng… Mô hình về nông lâm kết hợp, trồng xen cây thân gỗ, cây dược liệu và chăn nuôi gia súc dưới tán rừng luồng; từ đó tổng kết rút kinh nghiệm nhằm nhân ra diện rộng. Triển khai đợt tuyên truyền giáo dục về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, sử dụng rừng luồng theo hướng bền vững, phổ biến về nguy cơ suy thoái rừng luồng và cách nhận biết cho mọi người dân vùng trồng luồng. Xây dựng quy ước, hương ước quản lý, bảo vệ, chăm sóc, khai thác sử dụng luồng phù hợp với tập quán, truyền thống, kinh nghiệm trồng, khai thác, sử dụng rừng luồng ở mỗi địa phương để vừa phát huy được sự quản lý của chính quyền cơ sở, vừa có sự tham gia và thực hiện tự giác của người dân. Đồng thời tiến hành rà soát, bổ sung về cơ chế, chính sách đối với cây luồng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển, kinh doanh cây luồng ngày càng đạt hiệu quả cao.