Kiến bị lừa như thế nào?

ThienNhien.Net – Một số loài côn trùng đã tiến hóa qua nhiều bước trung gian để biến đổi thâm nhập vào các xã hội khác. Chẳng hạn loài bướm <i>Maculinea rebeli</i> đã hình thành kỹ xảo trao đổi thông tin với kiến <i>Myrmica schenck </i> và chinh phục chúng một cách dễ dàng.
Loài bướm Maculinea rebeli ở Tây Âu sống dựa vào kiến Myrmica schenck qua nhiều giai đoạn một cách dễ dàng. Chúng “ăn bám” trên sức lao động của kiến thông qua việc bắt chước cách trao đổi thông tin, như sự trao đổi các chất hóa học và tiếp xúc cơ thể – giống như là chạm râu, hay phát ra âm thanh giống hệt kiến chúa.

Kiến Myrmica schenck mang ấu trùng của bướm đến tổ của chúng và tin rằng đó là ấu trùng của chính mình. Ở trong tổ kiến, ấu trùng bướm tiết ra chất hóa học giống như ấu trùng kiến, điều đó khiến kiến thợ bị nhầm tưởng và vẫn cần mẫn mang thức ăn đến cho chúng. Quá trình này kéo dài suốt 11 đến 23 tháng tới khi ấu trùng bướm biến thành nhộng.

Quan sát của các nhà khoa học cho thấy “vú nuôi” kiến thợ bị “lú lẫn” đến mức ưu ái và chăm sóc ấu trùng bướm thậm chí còn hơn cả ấu trùng của mình. Thậm chí nếu thức ăn khan hiếm, vú nuôi còn giết và cho “những kẻ ăn bám” này ăn chính con của chúng. Điều này trái ngược hoàn toàn với kiến chúa bởi kiến chúa đối xử ấu trùng và nhộng (bướm) giống như là với đối thủ. Trong khi đó, kiến thợ lại thường xuyên “thiết đãi” chúng như đối với vua.

Các nhà khoa học cũng theo dõi cách phát ra âm thanh của kiến thợ và kiến chúa và họ đã khám phá ra sự khác biệt ở “tác động và toàn bộ độ vang âm liên tục” của kiến chúa. Khi kiến chúa phát ra âm thanh, các kiến thợ sẽ tập trung quanh và bảo vệ nó. Theo các nhà khoa học đó là “sự phù hợp với địa vị cao và đủ sức bảo vệ kiến chúa trong trật tự của đàn”. Và ấu trùng bướm đã phát ra âm thanh giống kiến chúa để đánh lừa. Nó có thể sử dụng chất hóa học tương đồng để thâm nhập vào đàn. Và khi đã trong đàn, nó phát ra âm thanh bắt chước và nhận được sự ưu ái như “con đẻ”.

Bướm Maculinea rebeli không phải là loài côn trùng duy nhất được “phục vụ miễn phí”. Các nhà nghiên cứu tin rằng kiến còn cung cấp thức ăn cho khoảng 10.000 loài ăn bám khác nhau.