Hoàn thiện khung pháp lý cho công tác quản lý và kinh doanh du lịch

ThienNhien.Net – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành một số hướng dẫn cụ thể về lưu trú du lịch, kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch và xúc tiến du lịch… nhằm tăng hiệu quả trong công tác quản lý và kinh doanh du lịch.

8 loại cơ sở lưu trú du lịch

Đó là các loại khách sạn, làng du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, các cơ sở lưu trú du lịch khác (tàu thủy du lịch, tàu hỏa du lịch, lều du lịch).

Trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, các cơ sở lưu trú du lịch phải gửi hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sở tại để thẩm định, xếp hạng.

Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng các loại cơ sở lưu trú du lịch do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Hồ sơ đăng ký hạng 1 đến 5 sao hoặc hạng cao cấp, ngoài các giấy tờ theo quy định (đăng ký kinh doanh, văn bằng, chứng chỉ của người quản lý, giấy cam kết đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy xác nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…), phải có thêm bản sao có giá trị pháp lý văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của trưởng các bộ phận lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, bảo vệ.

Kinh doanh lữ hành không hạn chế phần vốn góp của phía nước ngoài

Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập dưới hình thức liên doanh giữa các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài với đối tác Việt Nam, không hạn chế phần vốn góp của phía nước ngoài.

Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ đưa khách quốc tế vào Việt Nam du lịch và chỉ được sử dụng hướng dẫn viên là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú ở Việt Nam.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải gửi đến Tổng cục Du lịch các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đầu tư (bản sao); phương án kinh doanh lữ hành và chương trình du lịch cho khách quốc tế vào Việt Nam; giấy tờ chứng minh thời gian hoạt động của người điều hành; thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hợp đồng lao động của 3 hướng dẫn viên (bản sao); giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế.

Hướng dẫn viên du lịch phải được bồi dưỡng kiến thức định kỳ

Hướng dẫn viên du lịch nếu đã có bằng tốt nghiệp đại học, trung học, cao đẳng ngành du lịch nhưng không thuộc chuyên ngành hướng dẫn du lịch hoặc có bằng đại học trở lên thuộc khối kinh tế, khoa học xã hội… phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa ngắn hạn.

Riêng hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải có chứng nhận đạt trình độ ngoại ngữ: Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL 500 điểm hoặc IELT 5,5 điểm, TOEIC 650 điểm hoặc chứng chỉ tương đương.

Hướng dẫn viên du lịch phải được bồi dưỡng kiến thức định kỳ để cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, du lịch của đất nước và địa phương; các sản phẩm du lịch mới.