Hà Giang: Rừng Quang Bình đang… “chờ” doanh nghiệp!

ThienNhien.Net – Cây keo đã hơn 7 năm tuổi mà không có người mua, một số người sốt ruột không chờ được đành phải bán cho tư thương nhỏ lẻ với mức giá rẻ như bèo. Cả người và rừng cây đang mòn mỏi chờ doanh nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm theo phương thức liên kết 4 nhà.

Giá cả… “bèo bọt”

Phát triển kinh tế bằng nghề rừng là một trong những hướng đi giúp nhân dân miền núi xóa đói giảm nghèo. Trong nhiều năm qua, huyện Quang Bình là một trong những huyện thực hiện tốt chủ trương trồng rừng đạt và vượt kế hoạch các chương trình, dự án trồng rừng của tỉnh và Quốc gia như: Dự án 661 trồng mới 5 triệu ha rừng; chương trình khuyến nông Quốc gia… Theo báo cáo công tác phát triển lâm nghiệp năm 2012, toàn huyện trồng được 436,3 ha rừng sản xuất. Để đạt được kết quả này, chính quyền huyện đã chỉ đạo sát sao tới các xã, phòng chuyên môn phối hợp đôn đốc, vận động nhân dân trồng rừng, cải tạo diện tích rừng tự nhiên có giá trị kinh tế thấp, đảm bảo rừng trồng đạt kế hoạch. Trong năm 2013, phương hướng phát triển lâm nghiệp của UBND huyện đề ra là trồng mới thêm 600 ha rừng sản xuất.

Ông Đỗ Hồng Ngọc đứng giữa rừng keo “chơ” khai thác
Ông Đỗ Hồng Ngọc đứng giữa rừng keo “chờ” khai thác

Với diện tích rừng trồng hàng năm lớn như vậy, việc tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng là một vấn đề lớn cần phải giải quyết ngay. Thế nhưng, sau 7 năm vất vả chăm sóc rừng, người dân lại phải tự mình xoay sở tìm cách bán gỗ. Theo mức giá trung bình hiện nay, 1m3 gỗ keo có giá khoảng 700 nghìn đồng, 1ha rừng keo sẽ cho khai thác được từ 80-85m3 gỗ, tính ra người dân sẽ thu được khoảng 55 triệu đồng/ha; theo cách tính này, người trồng rừng có thể thu lãi cao từ nghề rừng. Từ khi dự án trồng rừng được thực hiện đến nay, hàng trăm ha rừng xanh tốt đã đến tuổi khai thác; tiền tưởng như đã ở ngay trước mắt nhưng bây giờ người dân lại phải đối mặt với một nguy cơ mới là có khả năng tiền bán gỗ rừng sẽ không đủ bù vốn và công sức đã bỏ ra.

Điều đầu tiên chúng tôi nhận được khi gặp gỡ với những người trồng rừng là những cái lắc đầu ngao ngán. Năm nay, nhiều ha rừng sản xuất đã đến tuổi khai thác nhưng tìm mãi chẳng thấy bóng dáng người mua. Lợi dụng điều này, nhiều tiểu thương nhỏ lẻ ở các khu lân cận đến ép giá gỗ với mức rẻ như bèo. Là một trong những hộ có số lượng rừng trồng lớn theo chủ trương của huyện từ những ngày đầu, ông Đỗ Hồng Ngọc, thôn Yên Trung, thị trấn Yên Bình chia sẻ: “Nhà tôi có 5ha rừng trồng với hơn 5.800 cây keo, điều kiện khí hậu, đất đai ở đây phù hợp cho cây keo sinh trưởng phát triển tốt. Sau 7 năm chăm sóc, cây keo đã đến tuổi khai thác, có tư thương đến trả giá 400 nghìn đồng/m3 với điều kiện phải chặt cây cho họ nhưng tôi không đồng ý vì giá quá thấp. Bây giờ có nhiều người mua linh tinh lắm, giá cả không đảm bảo nên tôi chỉ tỉa bán làm gỗ chống 50 nghìn đồng/cây và sử dụng làm các công trình trong nhà thôi chứ chưa bán. Chúng tôi chỉ biết trồng cây thôi, không nắm được giá cả thị trường, tôi mong muốn có một doanh nghiệp uy tín đến mua gỗ, giá cả phải trả chính xác để người dân không bị lỗ thì mới được. Nếu vụ cây này có thể bán với giá hợp lý thì vụ sau tôi sẽ tiếp tục trồng cây theo chính sách của huyện hoặc trồng keo để không bỏ đất trống”.

Tuy nhiên, không phải hộ trồng rừng nào cũng kiên nhẫn được như ông Ngọc, chờ đợi quá lâu khiến lợi ích kinh tế từ rừng trồng đem lại không thấy đâu trong khi tiền ở túi đã cạn, một số hộ sau thời gian mòn mỏi chờ đợi một doanh nghiệp nào đó đến mua gỗ đã đành phải bán cho tiểu thương hàng ha gỗ keo với giá 7 triệu đồng/ha. Số tiền này không đủ trả cho chi phí đầu tư và công chăm sóc rừng suốt 7 năm của người dân. Có nỗi lo lắng tương tự, ông Hoàng Ngọc Vạn, thôn Phố Mới, thị trấn Yên Bình, cho biết: “Tôi trồng keo đã được 4 năm với 5ha đất rừng, hiện cây keo chưa đến tuổi khai thác nhưng đã có người đến hỏi mua với giá 400 nghìn đồng/khối, họ bắt mình chặt cây theo yêu cầu nên tôi không bán. Nhiều hộ ở đây bị ép giá rất rẻ, nhà tôi còn chờ được chứ nhiều hộ đã bán cây để lấy tiền trang trải cuộc sống. Tôi mong huyện có chính sách kêu gọi doanh nghiệp đến thu mua tập trung cho người dân chứ bán cho tư thương từng cây gỗ một thì hỏng hết rừng, không giải quyết được vấn đề gì”.

Một vài người có thái độ tiêu cực thì bỏ mặc cho cây thành rừng còn hơn bán với giá rẻ, chẳng bõ công trồng. Theo tìm hiểu, người trồng rừng hiện nay muốn bán gỗ phải tự khai thác cho các xưởng nhỏ hoặc đi bán ở các thị trường ngoài tỉnh như Tuyên Quang, Phú Thọ… Nhưng, số người bán gỗ được giá không nhiều.

Hướng kêu gọi doanh nghiệp

Ông Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, cho biết: “Chương trình trồng rừng 661 ở huyện những năm qua luôn đạt và vượt kế hoạch, đầu ra cho sản phẩm gỗ vườn rừng đã được UBND huyện trình tỉnh. Hiện nay, có một số doanh nghiệp như: Nhà máy gỗ MDF thuộc Khu công nghiệp Bình Vàng (Vị Xuyên), Công ty Giấy An Hòa (Tuyên Quang), Công ty Nam Quang… sắp tới sẽ vào thu mua gỗ của nhân dân và tiếp tục lên kế hoạch trồng rừng để phục vụ vùng nguyên liệu cho nhà máy. Năm nay, huyện vẫn thực hiện chính sách trồng rừng vay vốn theo chương trình của tỉnh, hướng dẫn người dân trồng mới, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm trên nguyên tắc thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định, tăng giá trị của cây gỗ. Khoảng đầu năm nay sẽ có 2 đơn vị vào huyện khai thác và đầu tư trồng mới, khi các doanh nghiệp này vào huyện sẽ được phân quy hoạch vùng khai thác ở các xã. Về kỹ thuật, huyện sẽ giúp nhân dân, giá cả thì do thị trường quyết định nhưng huyện sẽ tạo điều kiện cho đơn vị nào có chính sách có lợi hơn với dân. Trước mắt, huyện sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất gỗ ở địa phương khai thác trong khi chờ doanh nghiệp đến”. Đối với những hộ tỉa cây bán sớm làm ảnh hưởng đến chất lượng gỗ, bị mất giá huyện sẽ tuyên truyền khuyến khích bà con nên trồng cây gỗ đến đủ độ tuổi khai thác để nâng cao giá trị.

Đến nay, trồng rừng vẫn là một hướng đi đúng vì phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Người dân cũng hy vọng rằng nghề rừng là một lối đi có thể xoá đói giảm nghèo và không bỏ phí đất rừng. Phát triển nghề rừng cũng góp phần tạo vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, cần sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhà khoa học – nông dân – doanh nghiệp – quản lý để không xảy ra hiện tượng người dân bị thua lỗ nặng vì không có đầu ra cho sản phẩm như đã xảy ra ở các tỉnh khác trên cả nước.