Người giữ lửa

ThienNhien.Net – Vượt nhọc nhằn đến Trà Bui (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) tìm gặp già Hồ Văn Dinh, người được mệnh danh là "linh hồn Ca dong", chúng tôi đã xác định tâm lý họa hoằn lắm mùa này ông mới ở nhà, không lên rẫy. Có cái gì đó bồi hồi và mông lung trong tâm hồn khi băng rừng hơn 5 tiếng để tìm gặp già…

Chân dung người giữ lửa

Ra khỏi trụ sở xã Trà Bui, về thôn 4 đã có con đường mòn tuy hơi gập ghềnh và phải băng qua nhiều con suối nhỏ. Dọc đường đi, gặp người nào chúng tôi đều hỏi đến già Dinh để biết thông tin. Có người tỏ ra phấn khởi pha chút tự hào vì có lẽ trong mắt họ, già Dinh đáng là bậc tiền bối trong các giai điệu của rừng. Tuy thế, nhiều người còn tỏ ra ái ngại, có lẽ họ sợ cho đôi chân mang dày da của chúng tôi không thể leo nổi những ngọn núi để đến nơi ở của già.

Theo tay chỉ của một tiều phu, căn nhà sàn của già Dinh hiện ra trước mắt nhưng nằm chót vót bên sườn một ngọn núi. Leo thôi, cơ thể đã mỏi nhừ và nhễ nhại mồ hôi. Không như hy vọng của chúng tôi, nhà già Dinh vắng ngắt. Có lẽ, ông đã đi rẫy thật rồi? Gọi mãi mới có tiếng trả lời từ người em út của ông đang lủi thủi trong xó bếp. Chúng tôi nhen nhóm hy vọng qua câu chào của bà : “Cán bộ tìm ông già à, ông vô rẫy từ hôm qua, sắp về rồi đấy”. Không còn cách nào khác, vừa đặt lưng, chúng tôi đã thiếp đi trên sàn nhà.

Mặt trời đã ngã qua phía núi, già Dinh đặt gùi bắp vào ngăn bếp. Ông đủng đỉnh nhặt nhạnh những thanh củi rơi rãi và không lấy làm ngạc nhiên vì sự xuất hiện của chúng tôi. Đó là một ông già tầm thước, râu tóc bạc phơ. Vừa nói, giọng đã rung lên như tiếng chiêng giữa đại ngàn.

Già Dinh năm nay đã gần 70, ông là một trong số ít người Ca dong biết chơi và sản xuất được nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Đặc biệt, ông được nhiều người biết đến bởi tài đánh chiêng trong các lễ hội.

Tôi nhớ lần được thưởng thức tài nghệ của ông trong đêm lễ hội văn hoá các dân tộc miền núi được tổ chức tại Phước Sơn gần đây. Đêm ấy, có lẽ ông là người phấn chấn nhất. Du khách say sưa với tiếng chiêng phát ra từ nắm bàn tay của ông trong tiết mục biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của đoàn Bắc Trà My. Dập dìu theo các điệu múa, tiếng chiêng lúc khoan thai nhẹ nhàng, lúc liên hồi thôi thúc, giục dã người vào hội. Đêm diễn gần tàn, dường như ông vẫn còn hào hứng lắm. Ông chụp hình với rất nhiều du khách và liên hồi khua chiêng bên lửa trại. Ánh lửa hắt lên khuôn mặt gân guốc với đôi mắt quắc thước, có lẽ đôi mắt ấy đang rạo rực, đang cuồng say với những vũ điệu của núi rừng…

Giờ đây, với vẻ mệt mỏi nương rẫy, nét già nua thoảng qua trên gương mặt của ông. Đưa mắt về những mảnh giấy khen đang nằm xộc xệch trên vách nhà, ông nói chậm rãi : “Huyện họ cũng khen mà tỉnh họ cũng khen, thỉnh thoảng cũng có người vô đây rồi bảo già đụng đến cái chiêng, khua lại cái Ktốc. Hồi trước, mình đi biểu diễn nhiều, nhưng lâu nay bận rẫy, không thể đi đâu xa được”.

Già Dinh đặt bộ ấm chén lên sàn, khói thuốc phả trắng, mốc meo như màu râu của mình. Ông hứa sẽ khảy một điệu bróh để đưa tiễn hoàng hôn nếu chúng tôi ở lại.

Giai điệu của đại ngàn

Chiều đã nhạt dần nơi rừng sâu và tiếng kêu của côn trùng đã bắt đầu rộn rã. Già Dinh lôi từ góc nhà chiếc đàn bróh đã sẫm màu và có mặt sau bóng nhẵn vì lâu ngày tựa vào da thịt người chơi. Ông đặt những ngón tay thô ráp lên dây đàn, so cung. Âm vực sâu lắng của tiếng bróh bắt đầu réo rắt… Màu nắng cuối ngày như đỏ quạch, tiếng rừng rầm rì, đen thẫm… Hoàng hôn nơi rừng sâu như cô quạnh hơn.

Bỗng, tiếng đàn ngừng bặt, ông giải thích rằng người Ca dong sử dụng nhạc cụ này để bộc lộ tâm sự của mình với thiên nhiên. Tuy bróh có cấu tạo đơn giản (gần giống với đàn bầu) nhưng không dễ sử dụng. Nếu không có tâm hồn hoà hợp và sự xúc cảm của lòng mình thì tiếng đàn trở nên lạc lõng, cô độc.

Khác với bróh, ktốc là một loại nhạc cụ rất đặc trưng của người Ca dong. Bróh được gẩy để đưa tiễn hoàng hôn thì ktốc được đánh vào lúc bình minh ửng hồng. Thói quen của người đàn ông Cadong là mỗi sáng thức dậy, bên ấm trà và trong khói thuốc, bao giờ cũng có tiếng đàn ktốc giòn dã. Người chủ gia đình dùng tiếng đàn ktốc để báo thức cho mọi người thức dậy và chuẩn bị cho một ngày rẫy.

Tuổi thơ của già Dinh không thiếu những tiếng đàn ktốc của bố ông. Ngay cả cách tự làm một cây đàn cho riêng mình, ông cũng được bố mình chỉ dạy từng chút một. Đàn ktốc có hình dáng gần giống với cây đàn cò và cách chơi cũng tương tự như vậy. Ngón nghề kéo ktốc của ông Dinh đã đến mức điêu luyện. Đây là loại nhạc cụ đã gắn với ông hơn sáu mươi mùa rẫy. Có thể nói, những cung bậc tình cảm, những chiều kích của cuộc sống ông có thể thẩm thấu được mỗi khi say sưa với từng giai điệu ktốc.

 Ca dong

Ngoài các loại nhạc cụ truyền thống của người Ca dong, già Dinh có thể sử dụng được 12 loại nhạc cụ của các dân tộc khác. Trong chiếc gùi ông vẫn thường mang đi rẫy, lúc nào cũng có các nhạc cụ gọn như sáo, tiêu… Đặc biệt, chiếc tù và bằng sừng trâu của người Cơ tu vẫn được ông sử dụng khi muốn liên hệ với những người thân đi rẫy. Ông nói, khi xưa loại nhạc cụ này được dùng vào việc thông báo cho bản làng biết khi người đi săn được thú, cần người làng khiêng về. Văn hoá của các dân tộc anh em, ông Dinh có vẻ rất am tường.

Khát vọng lưu truyền

Ông Nguyễn Sanh, người con rể của ông Dinh thường được cha mình chỉ dạy sử dụng và chế tác các loại nhạc cụ mỗi khi ông rỗi rãi. Theo ông Sanh, các loại nhạc cụ đặc trưng của người Ca dong rất khó sử dụng và chế tác. Ông Dinh là người rất khắt khe đối với người chơi trong yêu cầu về tiết tấu, giai điệu của các loại nhạc cụ này.

Tuy nhiên, ông có một khát vọng rất lớn là làm sao có thể lưu truyền những nét độc đáo của nhạc cụ Ca dong cho các thế hệ sau này. Ông Sanh bảo, khi truyền dạy các loại nhạc cụ này, già Dinh thường dặn phải thường xuyên ngó tới cái đàn, cái chiêng. Đánh cái chiêng để nghe tiếng vọng của rừng núi. Thổi cái sáo cho vút tận trời xanh. Phải kéo đàn cho ma quỉ kinh hồn.

Ông Sanh vẫn mày mò vì biết được tâm nguyện của già Dinh. Trong nhà, không còn nhiều người để ông Dinh truyền thụ những hiểu biết của mình. Mùa lễ hội, cả gia đình ông Dinh thường nghỉ rẫy để ăn mừng và tham gia múa hát. Theo ông Sanh đó là cơ hội tốt  để bảo tồn và học hỏi thêm những nét đặc trưng của dân tộc mình.

Ông Dinh lục đục thu xếp các loại nhạc cụ vào góc nhà. Tiếng ngân bị đứt quãng của chiếc chiêng do va chạm vào vách tựa như một vạch dài của đời người rồi có khi cũng phải dừng lại với dấu chấm nào đó. Nét u buồn vô cớ phảng phất trên gương mặt của ông Dinh. Niềm hứng khởi trong các lễ hội dường như tan mau…

Chúng tôi xuống núi theo sự chỉ dẫn của già Dinh. Những tia nắng sớm xuyên qua kẽ lá mát lành một buổi sáng của rừng. Khát vọng có lẽ đã về tràn đầy trong tâm hồn, ông hát một đoạn trong bài dân ca Ca dong do ông đặt lời trong lúc đi cùng chúng tôi… “Theo lời Bác Hồ dạy, người Ca dong phải đến trường. Phải học cái chữ, phải học cái đàn để xây dựng buôn làng. Các con phải cố gắng, phải vượt qua những ngọn núi, phải băng qua con sông kia để đến trường, mang cái chữ về cho làng…”

Với những con người sinh ra và gắn bó bao đời với núi rừng, âm thanh mang bên mình luôn như tiếng vọng của rừng muôn đời nay…