Quản lý tài nguyên đất và nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Các đại biểu khu vực Đông Nam Á đang cùng thảo luận về thích ứng với biến đổi khí hậu trong quản lý tài nguyên đất và nước tại Hà Nội ngày 20 và 21/01. Đồng chủ trì hội thảo là Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Phát triển Đan Mạch Ulla Tornaes, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Peter Lysholt Hansen.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: Hội thảo này nhằm thúc đẩy sự trao đổi đối thoại quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề chỉ có thể giải quyết khi các nước cùng đồng tâm hiệp lực. Biến đổi khí hậu làm gia tăng lũ lụt, đồng thời khiến nhiều vùng đất có nguy cơ sa mạc hóa. Vấn đề đất và nước có liên quan trực tiếp đến sinh kế của phần lớn dân số Việt Nam, vốn sống nhờ nông nghiệp. Bộ TN&MT chủ trương tính có lộ trình tính giá nước, giá đất để lấy khoản thu đó chi cho các dự án giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đất và nước là hai nguồn tài nguyên đang chịu nhiều sức ép tại hầu hết các quốc gia đang phát triển. Các xu hướng phát triển gần đây bao gồm dân số tăng nhanh, sự phát triển của các thành phố lớn và nhu cầu về lương thực tăng lên làm tăng sức ép lên tài nguyên đất, nước. Tình hình này sẽ trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và làm ảnh hưởng đến nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ.

Bà Ulla Tornaes, Bộ trưởng Bộ Phát triển Đan Mạch cho rằng có 4 vấn đề mà các quốc gia cần quan tâm trong xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là lồng ghép vấn đề này trong khung chính sách, lập chương trình kế hoạch từ cấp quốc gia đến địa phương. Cần có một chương trình ứng phó mang tính tổng thể, toàn diện, liên ngành, đặc biệt các vấn đề về quản lý đất và nước liên quan đến an ninh lương thực và các hệ sinh thái.

Thứ ba là lồng ghép vấn đề giới, tính đến đối tượng phụ nữ được tham gia vào các sáng kiến biến đổi khí hậu ở nhiều cấp. Cuối cùng là vấn đề huy động nguồn tài chính, một thách thức lớn. “Các quỹ dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu phải được sử dụng một cách hiệu quả và minh bạch. Kinh nghiệm của chúng tôi là phải có hợp tác chặt chẽ giữa các bên và quản lý theo đúng quy trình”, bà Ulla Tornaes nói.

Trước đó, đã có một hội thảo được chính phủ Đan Mạch tổ chức ở Mali (Tây Phi) và sẽ có một hội thảo tương tự diễn ra tại Kenya tháng 2 tới. Chuỗi hội thảo này nằm trong Tiến trình Đối thoại Chính sách Chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu trong quản lý tài nguyên đất và nước, do Đan Mạch đề xướng, nhằm đưa ra những khuyến nghị cho nội dung thảo luận về biến đổi khí hậu do Bộ Ngoại giao Đan Mạch đề xướng, đưa ra các khuyến nghị đóng góp cho nội dung thảo luận về biến đổi khí hậu trong Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 15 sẽ diễn ra cuối năm nay tại Copenhagen (Đan Mạch), nhằm tiến tới một thỏa thuận thống nhất về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cho giai đoạn sau 2012 khi Nghị định thư Kyoto hết hạn.
 
Thông điệp chính của Tiến trình này là Thế giới cần có những cam kết và hành động nhiều hơn nữa đề chống lại biến đổi khí hâu. Câu trả lời cho chúng ta có lẽ đến từ những cá nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất.