Chương trình thí điểm lâm nghiệp cộng đồng tại Yên Bái

ThienNhien.Net – Yên Bái là một tỉnh có diện tích rừng, đất rừng lớn, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác trồng, bảo vệ rừng, song do phong tục tập quán cùng với nhận thức của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế, tình trạng chặt phá, khai thác, xâm chiếm rừng, đất rừng vẫn còn xảy ra. Để công tác quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, Yên Bái đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ giống, phân bón, quy hoạch vùng phát triển, bảo vệ diện tích rừng ngày một phát triển tốt. Đặc biệt là sau hơn ba năm thực hiện Dự án “Chương trình thí điểm lâm nghiệp cộng đồng”, ý thức của người dân đã được nâng lên, diện tích rừng được bảo vệ tốt hơn rất nhiều.

Dự án được thực hiện từ tháng 10/2006 tại 4 xã là An Bình, Lâm Giang huyện Văn Yên; xã Lâm Thượng, Tân Phượng huyện Lục Yên và 8 thôn thuộc các xã thực hiện với diện tích 2.722 ha rừng. Đến năm 2008 bổ xung thêm 2 xã và 4 thôn của Phan Thanh, An Phú huyện Lục Yên. Dự án đã quy hoạch và phát triển bảo vệ rừng với diện tích trên 19 ngàn ha thuộc địa phận 6 xã. Mục tiêu của dự án là xây dựng và áp dụng thí điểm các văn bản pháp lý, cơ chế tài chính, các phương thức tổ chức, thực hiện về lâm nghiệp cộng đồng làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về Lâm nghiệp cộng đồng.

Trên cơ sở xây dựng kế hoạch quản lý rừng cộng đồng thôn, xây dựng quy ước, quỹ bảo vệ và phát triển rừng thôn, Dự án đã tổ chức tập huấn hàng trăm lượt cán bộ huyện, xã, thôn trong vùng tham gia dự án. Đồng thời bàn giao cọc mốc ranh giới các khu rừng tự nhiên phòng hộ với hình thức cắm 163 cọc bê tông, 50 mốc đá tự nhiên tại 8 khu rừng giao cho 8 cộng đồng thôn. Thông qua hoạt động này, ý thức người dân về việc bảo vệ rừng đã được nâng lên rõ rệt, tình trạng xâm chiếm rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn không còn.

Là năm thứ 3 được triển khai nhân rộng mô hình tại 2 xã An Phú và Phan Thanh, huyện Lục Yên. Đây là những xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn, song do trình độ nhận thức cộng với phong tục tập quán canh tác của người dân nên diện tích rừng phòng hộ ngày một thu hẹp. Trên cơ sở nâng cao ý thức cộng đồng trách nhiệm của người dân, cán bộ xã, thôn trong việc bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, dự án đã góp phần thay đổi đáng kể cuộc sống người dân.

Với mục đích giúp người dân có thể sống được dựa vào kinh tế đồi rừng. Dự án dã góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho những hộ dân vùng được hưởng lợi từ dự án. Tuy nhiên do thời gian thực hiện dự án ngắn, trình độ cán bộ xã, thôn và người dân còn hạn chế nên việc thực hiến các văn bản hướng dẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đối tượng rừng giao nhìn chung là rừng tự nhiên phòng hộ nghèo, ít tài nguyên nên để đạt mục tiêu bảo vệ, quản lý, phát triển và sử dựng rừng bền vững cần có thời gian dài.