Nhìn lại 2008 – Những vấn nạn ô nhiễm trên thế giới (kỳ 2)

ThienNhien.Net – Nhận xét về mục đích của nghiên cứu, Rirchard Fuller, người sáng lập Viện Blacksmith, cho biết: “Báo cáo này nhằm nâng cao nhận thức của con người về những thiệt hại khôn lường mà ô nhiễm môi trường gây ra cho sức khoẻ, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động thiết thực để ngăn chặn và đối phó”.

Nhìn lại 2008 – Những vấn nạn ô nhiễm trên thế giới (kỳ 1)

6. Nung chảy và gia công kim loại

Các nhà máy gia công và nung chảy kim loại là các cơ sở chế biến nhiều loại kim loại khác nhau từ quặng để tạo ra các sản phẩm kim loại tinh luyện hơn. Những kim loại này thường là đồng, kẽm, chì, niken, bạc, coban, vàng…Quy trình nung chảy và luyện kim kiểu chiết là hoạt động gây ô nhiễm cao. Một vài cơ sở tiến hành quy trình nung kim loại là nơi phát thải số lượng lớn các chất gây ô nhiễm không khí như HCl, SO2, NOx và các khí độc hại và gây khó chịu, hơi nước, khí và các chất độc khác.

Các cơ sở này cũng phát thải ra nhiều loại kim loại nặng khác: chì, nguyên tố asen, crom, catum, niken, đồng và kẽm. Bụi kim loại không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn ảnh hưởng đến môi trường đất và nước mặt. Thêm vào đó, quá trình tẩy rửa cũng là nguồn phát thải lượng lớn axit sunfuric. Ngành sản xuất thép hàng năm tạo ra 5 đến 6% lượng phát thải CO2 nhân tạo trên thế giới. Ngoài ra, quá trình nung chảy có thể tạo ra một số lượng lớn chất thải rắn dưới dạng xỉ, chứa một lượng lớn chất ô nhiễm.

Con người thường bị nhiễm độc do các chất độc hại trong quá trình chế biến kim loại qua đường hô hấp và ăn uống. Công nhân trong nhà máy gia công và nấu chảy kim loại thường có nguy cơ nhiễm độc cao do họ thường tiếp xúc trực tiếp với chất ô nhiễm khi làm việc với các chất chứa chất thải do nung chảy và gia công kim loại.

Nhiễm các chất độc trong không khí phát sinh từ quá trình chế biến kim loại có thể dẫn tới nhiều loại bệnh cấp tính và kinh niên khác nhau. Những trường hợp mới nhiễm có thể dẫn tới đau mắt, mũi và cổ họng. Những trường hợp kinh niên và nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới vấn đề về phổi và tim, thận, thần kinh… và thậm chí gây tử vong sớm. Một số vùng được coi như là điển hình về ô nhiễm do gia công, chế biến kim loại như: La Oroya – Pêru, Elbassan – Albania, Tuticorin – Tamil, Nadu – Ấn Độ, Thung lũng Rudnaya – Nga, Zlanta – Romania.

7. Chất thải phóng xạ và mỏ uranium

Rác thải và vật liệu phóng xạ là những nguồn phát thải phóng xạ dưới nhiều hình thức và nhiều cấp độ, có ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Vật liệu phóng xạ được sử dụng trong các nhà máy sản xuất điện, trong quân sự, trong lĩnh vực y học, trong công nghiệp, và ngay cả trong cuộc sống hàng ngày.

Chất thải phóng xạ thường được chia thành chất thải mức độ thấp và mức độ cao. Chất thải mức độ cao có nguồn gốc từ các lò phản ứng hạt nhân. Chúng có thể tồn tại trong môi trường rất lâu và hầu như không thể xử lý được cho đến khi quá trình phân rã kết thúc. Do đó vấn đề của chất thải phóng xã là phải có biên lưu. Trên thế giới có nhiều nỗ lực để tìm ra phương pháp có thể cô lập chất thải phóng xã khỏi sinh quyển. Tuy nhiên, vấn đề này còn rất phức tạp và gây nhiều tranh cãi. 

 ô nhiễm
Do đó vấn đề của chất thải phóng xã là phải có biên lưu. Trên thế giới có nhiều nỗ lực để tìm ra phương pháp có thể cô lập chất thải phóng xã khỏi sinh quyển. Tuy nhiên, vấn đề này còn rất phức tạp và gây nhiều tranh cãi. (Ảnh:Worstpolluted.org)

Chất thải mức độ thấp là những vật liệu có khả năng phân rã kém hoặc là những vật liệu bị nhiễm phóng xạ trong quá trình sử dụng. Chúng là chất thải từ ngành công nghiệp hạt nhân, y học…

Chất thải từ quá trình gia công và khai thác các mỏ urani là một ví dụ. Urani chủ yếu được khai thác từ những nước có thu nhập thấp. Bảy trên mười khu khai thác urani lớn nhất thế giới hiện nay không đạt tiêu chuẩn an toàn. Chúng chủ yếu nằm ở các nước đang phát triển như: Kazakhstan, Nga, Niger, Namibia, Uzbekistan, Ukraina and Trung Quốc.

Thông thường hàm lượng urani trong quặng chỉ xấp xỉ mức 0,1 – 0,2%, điều đó có nghĩa là trên 99% lượng đất đá sau khai thác quặng được thải loại. Sau khi khai thác, urani được làm giàu và chiết xuất thành dạng urani nguyên liệu có thể sử dụng. Các quá trình này thường sử dụng đến các loại axit như H2SO4. Ngoài ra, quá trình khai thác và làm giàu quặng urani còn thải ra các chất độc như asen và chì. Loại bùn thải độc hại chứa cả chất phóng xạ và các kim loại nặng này làm cho nhiều vùng khai thác mỏ bị ô nhiễm nặng nề. Chúng có thể theo các dòng nước và làm ô nhiễm một vùng rộng lớn.

Chất thải phóng xạ có thể thâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước hoặc không khí. Hiện tượng phóng xạ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá năng lượng trong cơ thể người theo nhiều cách khác nhau. Nó tấn công cơ quan chức năng của cơ thể, gây ra hàng loạt các bệnh ung thư, gây đột biến gen và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tiếp theo.

Trong những năm qua, nhiều quốc gia đã chỉnh đốn ngành công nghiệp và quản lý chất thải phóng xạ. Đặc biệt, có nhiều quy định trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế cho việc quản lý chất thải phóng xạ mức độ cao. Tuy nhiên ở những nước kém phát triển với sự thiếu hiểu biết về sự nguy hại của chất thải do khai thác và làm giàu urani và sự yếu kém của các chính phủ trong vấn đề này nên những khu vực bị nhiễm độc do chất thải phóng xạ đang ngày càng nghiêm trọng, đe doạ sự tồn vong của nhiều dân tộc trên thế giới.

8. Nước thải sinh hoạt 

Nước thải sinh hoạt là những chất thải lỏng chứa hỗn hợp phân người và nước thải từ những hoạt động phi công nghiệp của con người như tắm, giặt và lau dọn. Ở nhiều khu vực nghèo trên thế giới, chất thải được đổ trực tiếp xuống sông của địa phương bởi trên thực tế họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Chất thải không được xử lý gây ra nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của con người vì nó chứa tác nhân gây bệnh lan truyền qua đường nước, có thể gây ra những căn bệnh nghiêm trọng ở người. Chất thải sinh hoạt không được xử lý cũng làm giảm hàm lượng oxy trong môi trường nước, phá huỷ hệ sinh thái nước, đe doạ đến sinh kế của con người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong năm 2008, thế giới vẫn có 2,6 tỷ người không được tiếp cận với những điều kiện tối thiểu về vệ sinh. Bên cạnh đó việc không có một hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt mà đổ thẳng ra các kênh rạch, sông ngòi làm cho nguồn nước ở nhiều khu đô thị bị nhiễm độc nặng nề và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước cấp sinh hoạt của chính nguời dân trong khu vực đó.

Những tác nhân gây bệnh đe doạ đến cuộc sống con người chứa trong chất thải gồm có bệnh dịch tả, bệnh sốt thương hàn và bệnh kiết lị, bệnh sán máng (bệnh do các sán lá schristosoma ký sinh trong máu gây ra), bệnh viêm gan A, bệnh nhiễm khuẩn đường ruột và một số bệnh khác. Tổ chức Y tế thế giới WHO ước tính mỗi năm có 1,5 triệu người chết do sử dụng nước không an toàn, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Hầu hết số người chết là trẻ em.

Với nhiều nỗ lực của chính phủ các nước cũng như cộng đồng quốc tế, vấn đề này đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, cho đến năm 2008 đây vẫn là một vấn đề môi trường nổi cộm đáng phải quan tâm trên toàn thế giới.

9. Không khí đô thị

Ô nhiễm không khí và sương khói quang hoá có thể xảy ra ở bất kỳ môi trường nào thải nhiều và liên tiếp các chất gây ô nhiễm sơ cấp (CO, NOx, SO2, bụi lơ lửng,… .Tuy nhiên, do những đặc trưng về khí hậu và địa hình mà ảnh hưởng của các khí ô nhiễm ở các vùng địa lý khác nhau là khác nhau. Những đô thị nằm trong các vịnh hay thung lũng có địa hình đồi núi bao quanh ngăn cản sự luân chuyển không khí thì khả năng ảnh hưởng cao hơn các khu vực khác. Mỗi năm Tổ chức Y tế thế giới WHO ước tính trên toàn thế giới có khoảng 865.000 người chết do ảnh hưởng trực tiếp của ô nhiễm không khí ngoài trời. Chủ yếu tập trung ở các khu đô thị và khu công nghiệp. 

 10 vấn đề
865.000 người chết do ảnh hưởng trực tiếp của ô nhiễm không khí ngoài trời. Chủ yếu tập trung ở các khu đô thị và khu công nghiệp. (Ảnh: Worstplluted.org)

Phơi nhiễm với không khí ô nhiễm có thể gây ra các căn bệnh về phổi và tim mạch mãn tính, đặc biệt là trẻ em và những người có tiền sử bị bệnh thì càng bị ảnh hưởng nặng nề. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phơi nhiễm mãn tính với NO2 có thể làm suy yếu sự phát triển phổi ở trẻ em và gây ra sự thay đổi về cấu trúc ở phổi của người lớn.
 
Phơi nhiễm với khí ozon ở mặt đất cũng làm bỏng và ngứa mắt, mũi và cổ họng và làm khô niêm mạc, giảm khả năng cơ thể kháng cự lại các bệnh lây nhiễm về đường hô hấp. Nói chung, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chất gây ô nhiễm và nồng độ của nó trong không khí, điều kiện nhiệt độ và độ ẩm trong không khí và thời gian phơi nhiễm của một người đối với chất gây ô nhiễm.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ về việc giảm ô nhiễm không khí ngoài trời ở các nước phát triển nhưng nhiều thành phố ở những nước này vẫn thường xuyên thải ra các chất gây ô nhiễm với mức độ vượt quá giới hạn cho phép. Tình hình này ở các nước đang phát triển còn tồi tệ hơn nhiều. Ô nhiễm không khí ngoài trời là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi một sự tiếp cận nhiều mặt cùng lúc để giải quyết.

Cần phải có sự hợp tác giữa các nhà quy hoạch đô thị, kỹ sư về giao thông, những nhà lập chính sách về năng lượng và môi trường và những nhà kinh để cùng nhau xây dựng và phát triển những giải pháp giảm ô nhiễm không khí và những ảnh hưởng của nó lên sức khoẻ của con người. Có thể lấy thành phố Băng Cốc của Thái Lan là một trường hợp điển hình trong nỗ lực giảm ô nhiễm không khí. Quá trình phát triển đô thị quá nhanh trong những năm 1990 đã khiến không khí ngoài trời ở Băng Cốc ô nhiễm một cách trầm trọng.

Một chiến lược đa ngạch đã được Chính phủ Thái Lan đề ra để chiến đấu với vấn đề này, bao gồm ban hành những quy định giảm chất thải, loại bỏ xăng pha chì và đưa vào sử dụng các thiết bị lọc khí thải. Thêm vào đó, thành phố này cũng đã thực hiện biện pháp đơn giản và có hiệu quả như mở rộng vỉa hè để giảm bụi, giáo dục nhân dân và cung cấp các dịch vụ sửa chữa máy móc miễn phí. Sau một thời gian ngắn, giờ đây Băng Cốc đã có chất lượng không khí tốt hơn cả các tiêu chuẩn của Mỹ và thành phố này cũng đang tiến đến những tiêu chuẩn của Châu Âu.

Tuy nhiên, chất lượng không khí ở đa số các nước đang phát triển trên thế giới vẫn đang là một vấn đề đang phải quan tâm. Và việc nó có mặt trong danh sách này cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.

10. Tái chế chì từ pin axit chì thải loại

Chì tái chế là 1 hàng hoá có giá trị cao, do đó thị trường mua bán loại hàng hoá này rất phát triển, đặc biệt là ở các nước thế giới thứ 3. Tuy nhiên, quá trình tái chế chì từ pin axit chì đã qua sử dụng thường diễn ra ở những đô thị đông đúc dân cư mà hầu như không có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm nào. Viện Blacksmith ước tính rằng trên 12 triệu người ở các nước đang phát triển đang gánh chịu hậu quả từ nhiếm độc chì.

Nhiễm độc chì xảy ra khi con người tiếp xúc với 1 hàm lượng chì lớn do nuốt phải bụi, khí hoặc hơi phát tán trong không khí. Nhưng nhiễm độc chì do tiếp xúc lâu ngày với 1 hàm lượng chì nhỏ còn phổ biến và tai hại hơn nhiều. Các rủi ro sức khoẻ do nhiễm độc chì gồm có chứng suy giảm phát triển thể chất và trí óc, suy yếu chức năng thận, thậm chí tử vong. Cụ thể hơn, nhiễm độc chì gây ra sự mệt mỏi, đau đầu, nhức xương và cơ, chứng đãng trí, ăn mất ngon và ngủ không sâu, kèm theo cả táo bón và đau dạ dày gay gắt. Trẻ em và phụ nữ mang thai là hai đối tượng chịu nhiều tổn thương hơn cả khi nhiễm độc chì.

Ngành công nghiệp và những người điều hành Công ước Basel đã nhận ra những nguy cơ mà hoạt động tái chế chì mang lại. Ở 1 vài quốc gia, hoạt động tái chế đã được chuẩn hoá và ít nhiều được quản lý tốt hơn. Nhưng ở những nuớc nghèo hơn, hoạt động này vẫn còn diễn ra tuỳ tiện và không được quan tâm đúng mức.

Viện Blacksmith hiện này đang nỗ lực giảm nhẹ các trường hợp nhiễm độc chì do tái chế chì từ pin axit chì đã qua sử dụng qua một dự án có tên là: “Sáng kiến tái chế pin axit chì có trách nhiệm với cộng đồng”. Dự án này bao gồm: giáo dục, tuyên truyền quy trình tái chế chì chuẩn hoá, khôi phục lại di sản đất đai đã nhiễm chì, phát triển các chính sách hiệu quả hơn để quản lý pin axit chì đã qua sử dụng, và tạo ra những nguồn thu nhập mới cho những người không có đủ điều kiện áp dụng quy trình tái chế chuẩn hoá.