Sang thế giới bên kia vẫn cần thân thiện môi trường

ThienNhien.Net – Dân số trái đất hiện nay khoảng 6,7 tỷ người và mỗi năm có khoảng 53 triệu người chết đi. Đến năm 2030, dân số trái đất dự kiến sẽ vào khoảng 8,5 tỷ người. Sớm hay muộn thì nhân loại cũng sẽ đạt đến con số 10 và 20 tỷ người, và số lượng người chết trên trên hành tinh cũng tăng lên vài lần tương ứng. Chính vì thế một câu hỏi hoàn toàn hợp lý là chúng ta sẽ làm gì với thi thể của những người chết: mai táng theo lối truyền thống hay theo hướng thân thiện với môi trường?

Quỹ đất thì có hạn mà con người thì mỗi ngày một sinh sôi và sớm hay muộn thì nhân loại cũng phải đứng trước sự lựa chọn: biến tất cả những mảnh đất còn sót lại thành nghĩa trang hay thiêu huỷ, thuỷ phân thi thể người chết và phương pháp mai táng nào thân thiện với môi trường?

Trước tiên chúng ta sẽ xem xét vấn đề này ở nước Nhật – một đất nước có dân số đông đúc, cơ cấu dân số già, đất nước mà tình trạng của nó được coi là viễn cảnh của trái đất 30 năm sau.

Hiện ở Nhật mỗi năm có 1,1 triệu người chết và đến năm 2040 con số này sẽ là gần gấp đôi. Việc thiếu quỹ đất một cách nghiêm trọng cộng với tính chất dân số già của đất nước đã tạo nên gánh nặng không nhỏ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ tang lễ. Người Nhật từ lâu đã không chôn cất thi thể người chết nữa, đơn giản chỉ vì không có đất. Thi thể người Nhật được hoả táng trong các lò thiêu.

Tuy nhiên, 4.900 lò hỏa thiêu thi thể ở Nhật cũng không đủ để đáp ứng gánh nặng này. Địa điểm để xây dựng “lò hóa thân” mới cũng không có. Hiện nay, chính quyền Nhật Bản đã có kế hoạch xây dựng một lò hỏa thiêu nổi trên biển.

Ở Mỹ và Châu Âu việc hoả thiêu người chết cũng phổ biến. Ở Nga lại khác, hai tôn giáo chính của Nga là Chính Thống giáo và Hồi giáo cực lực phản đối việc thiêu xác người.

Ở Nga, nhà hỏa táng đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 1917 ở Vladivostok, được dành để hỏa thiêu thi thể người Nhật, vốn sống khá đông đúc tại thành phố phía Đông này của nước Nga thời đó.

Người Nga thì tránh xa công trình này và phản đối việc hoả thiêu thi thể người chết. Thậm chí ngay cả trong thời kỳ thuyết vô thần được cổ xuý, người Nga cũng không dám «leo vào lò».

Hiện nay nước Nga có 13 lò hỏa táng ở 10 thành phố trong cả nước, và sắp tới sẽ có thêm 1 lò hỏa thiêu nữa ở Sochi.

Việc thiêu xác được thực hiện bằng cách đưa thi thể người chết vào một buồng được đốt nóng đến 900°C, đủ để biến thi thể người thành một dúm tro. Song, khó có thể coi việc hoả thiêu thi thể người là cách mai táng thân thiện với môi trường. Trong quá trình thiêu xác một khối lượng lớn Hydrocarbon đã được đốt và phát thải khí nhà kính CO2.

Vì môi trường, các nhà khoa học Mỹ đã đề nghị sử dụng phương pháp thuỷ phân cơ thể người trong dung dịch kiềm, phương pháp trước đó đã được áp dụng ở nước này trong việc tiêu huỷ xác động vật. Hiện tại có hai trung tâm khoa học của Mỹ nghiên cứu phương pháp thuỷ phân kiềm thi thể người.

mai táng bằng thủy phân kiêm

Buồng Inox để thủy phân kiềm (Ảnh: Discovery Channel)

Trong phương pháp thuỷ phân kiềm, cơ thể người chết được đặt trong một buồng inox hình trụ tròn chứa dung dịch kiềm của các chất hoá học. Sau đó, thi thể trong buồng sẽ chịu 1,1 kg áp suất cho mỗi cm2 và sức nóng 300°C để rồi chỉ còn là một “vũng nước” vô hại có thể thải ra môi trường. Song, liệu phương pháp mai táng được coi là thân thiện với môi trường này có được con người chấp nhận không vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ.

Trong tương lai, nhân loại sẽ phải đứng trước nhiều lựa chọn, kể cả lựa chọn cách “đi sang thế giới bên kia”. Làm thế nào để giữ truyền thống mai táng trong điều kiện trái đất quá tải về dân số, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và điều kiện môi trường thay đổi? Có vẻ như việc tăng dân số trái đất sẽ làm thay đổi tận gốc lối sống truyền thống của nhiều dân tộc trên thế giới.