Những nghi ngại về cây trồng biến đổi gen

ThienNhien.Net – Ngày nay, những loại cây trồng biến đổi gen không chỉ được nhắc đến trong các bản tin hay sách báo, mà chúng đã xuất hiện nhiều hơn trong các siêu thị. Vậy cây trồng biến đổi gen khác với cây trồng truyền thống ở điểm nào? Liệu chúng có những ảnh hưởng đối với sức khỏe con người hay môi trường không?
 
Công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Công nghệ sinh học đề cập đến bất kỳ kỹ thuật nào sử dụng những sinh vật sống hay bộ phận của những sinh vật này để tạo ra hay biến đổi thành các sản phẩm mới vì mục đích thực tế. Y tế, nông nghiệp và công nghiệp hiện đại đã sử dụng công nghệ sinh học trên một quy mô lớn.

Công nghệ sinh học truyền thống như sử dụng men để làm bánh mỳ hoặc rượu đã được áp dụng trong hàng nghìn năm qua. Kể từ cuối thề kỷ 19, kiến thức về những nguyên tắc di truyền đã cho người nông dân biết được những phương pháp mới để nhân giống cây trồng và vật nuôi. Họ đã chọn những sinh vật cá thể với các đặc điểm có lợi để phát triển cây trồng lai. Vào năm 1954, các phương pháp mới đã được phát triển từ khi khám phá ra cấu trúc của AND. Ví dụ như, sử dụng các vi sinh vật để sản xuất ra thuốc kháng sinh hay thay đổi thông tin di truyền ở thực vật, làm cho chúng có thể kháng được với vật hại hay bệnh tật.

Gen là những đoạn AND, điều khiển tất cả các quá trình sinh học trong sinh vật sống. Toàn bộ thông tin về gen của một sinh vật có trong mọi tế bào và được gọi là hệ gen. Thông tin về gen ở các sinh vật khác nhau đều có cùng một cấu trúc tương tự, do đó chúng ta dễ nhận biết được những gen có ích tiềm tàng. Qua nghiên cứu mẫu một số loài cây trồng, vật nuôi và sinh vật gây bệnh…, đã giúp chúng ta hiểu được các sinh vật liên quan.

Một số đoạn ADN có thể được nhận biết dễ dàng, do đó chúng được dùng để “đánh dấu” vị trí của một gen đặc biệt. Chúng có thể được sử dụng để lựa chọn ra những thực vật hay động vật mang gen hay đặc điểm có ích. Những đặc điểm quan trọng như năng suất quả, chất lượng gỗ, sức đề kháng bệnh tật, sản lượng sữa và thịt hay chất béo của cơ thể có thể được tìm ra theo phương pháp này.

Cây trồng có thể được tạo ra từ những mẫu thực vật nhỏ được nuôi trồng trong ống nghiệm. Đây là một hình thức phức tạp hơn việc trồng hoặc cắt tỉa thông thường từ cây trồng đang sống. Một kỹ thuật thí nghiệm khác trong việc chọn lọc bằng phương pháp nhân tạo gồm có việc trồng các tế bào thực vật trong điều kiện khắc nghiệt để chọn ra các tế bào đề kháng trước khi trồng cây.

Trong nhân giống truyền thống, một nửa gen của sinh vật là từ sinh vật bố hoặc sinh vật mẹ nhưng trong kỹ thuật biến đổi gen, một hay vài gen đặc biệt được chọn lựa từ bên ngoài sẽ được bổ sung thêm thông tin về gen. Hơn nữa, nhân giống cây trồng truyền thống chỉ có thể kết hợp các cây trồng trong cùng một loài hay có họ gần với nhau. Kỹ thuật biến đổi gen cho phép chuyển đổi gen giữa các sinh vật khác loài, mà bình thường không thể nhân giống.

Ví dụ, một gen của một vi khuẩn có thể được thêm vào một tế bào thực vật để cung cấp sức đề kháng đối với côn trùng. Sự chuyển đổi tạo ra các sinh vật như vậy được gọi là biến đổi gen (GM) hay là nuôi cấy gen.

Cây trồng biến đổi gen liệu có an toàn?

Thực phẩm làm từ cây trồng biến đổi gen hiện nay rất sẵn có (chủ yếu là ngô, đậu tương và cải dầu), đã được đánh giá là an toàn để sử dụng và các phương pháp được sử dụng để kiểm tra chúng cũng được cho là thích hợp. Những kết luận này đã khẳng định tính đúng đắn của các bằng chứng khoa học do Hội đồng Khoa học Quốc tế (ICSU) nghiên cứu và phù hợp với quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Kỹ thuật biến đổi gen của cây trồng cũng có thể mang đến những lợi ích về sức khoẻ trực tiếp và gián tiếp cho người tiêu dùng như cải thiện chất lượng dinh dưỡng và giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, việc thiếu bằng chứng về những ảnh hưởng có hại không có nghĩa rằng các thực phẩm biến đổi gen là an toàn. Khả năng ảnh hưởng lâu dài của cây trồng biến đổi gen không thể được loại trừ và phải được kiểm tra trên cơ sở từng trường hợp một. Những kỹ thuật mới đang được phát triển cũng gây ra các lo ngại như khả năng chuyển đổi không có chủ ý các gen đề kháng với thuốc kháng sinh.

Đối với nhà sản xuất, các nhà khoa học đưa ra lời khuyên rằng nên đánh giá an toàn thực phẩm trên cơ sở từng trường hợp một trước khi thực phẩm biến đổi gen được đem bán ngoài thị trường. Trong các đánh giá như thế, các thực phẩm có nguồn gốc từ cây trồng biến đổi gen được so sánh với các thực phẩm truyền thống vốn thường được coi là an toàn do chúng đã được sử dụng lâu dài. Sự so sánh này xem xét việc các thực phẩm khác nhau có thể gây ảnh hưởng có hại hay dị ứng đến mức độ nào và chúng chứa bao nhiêu chất dinh dưỡng.

Đối với người tiêu dùng, để tránh những lo ngại về vấn đề tín ngưỡng và sức khỏe, họ được khuyên rằng nên lựa chọn thực phẩm dựa trên những thông tin trên nhãn mác cho biết rõ ràng chúng được sản xuất ra sao. Dĩ nhiên, nếu trên nhãn mác không có bất cứ một thông tin nào cho biết liệu một sản phẩm có là biến đổi gen hay không thì không thể biết được gì về chất lượng cũng như lợi ích của sản phẩm đó, ngay cả những nguy cơ tiềm tàng của nó. Chính vì vậy, người ta đang thiết lập những nguyên tắc quốc tế để triển khai việc dán nhãn các thực phẩm biến đổi gen.

Xét về khía cạnh tác động lên môi trường, bất kỳ loại hình nông nghiệp nào cũng có ảnh hưởng nhất định, dù là phương thức truyền thống hay công nghệ biến đổi gen. Tuy nhiên, những điều còn chưa biết khiến người ta lo ngại rằng việc trồng cây biến đổi gen có thể gây nên sự biến thoái khi chúng lai tạp với họ hàng truyền thống của chúng. 

Những ý kiến phản biện lập luận rằng nhiều loại cây lương thực không phải là cây bản địa của vùng mà chúng được trồng. Điều này có nghĩa nguy cơ này sẽ không xảy ra. Hơn nữa, nếu việc lai tạp gen giữa cây biến đổi gen và cây bản địa xảy ra, thế hệ lai sẽ không có khả năng phát triển nhanh trong đời sống hoang dã do những đặc điểm thích nghi riêng. Các nhà khoa học hiện nay cũng đã bắt tay vào nghiên cứu để tìm ra cơ chế ngăn hiện tượng “chảy gen”.

Cũng có ý kiến nghi ngại rằng liệu cây trồng biến đổi gen có thể đề kháng côn trùng có hại, vậy chúng có đề kháng hay gây hại cho các loài côn trùng có lợi hay không. Những quan sát và ghi chép cho đến nay chưa cho thấy bằng chứng nào về mối lo ngại này, tuy nhiên nó vẫn cần được theo dõi tiếp tục. Các nhà khoa học cho rằng nên đánh giá các ảnh hưởng về môi trường của cây biến đổi gen dựa trên cơ sở so sánh với những cây trồng truyền thống.

Còn đối với vật nuôi, công nghệ biến đổi gien có những tác động gì?

Hiện nay, các loài vật nuôi vẫn thường xuyên ăn thức ăn có các cây trồng biến đổi gen và enzim chuyển hoá từ các vi sinh vật biến đổi gen. Cho đến nay, vẫn chưa có báo cáo về các ảnh hưởng tiêu cực nào lên vật nuôi. Gen ít có khả năng có thể chuyển đổi từ cây trồng sang vi khuẩn gây bệnh thông qua chuỗi thức ăn. Tuy vậy, các nhà khoa học khuyến cáo không nên sử dụng loại cây trồng biến đổi gen có các gen đề kháng với các loại thuốc trừ sâu hay không nên dùng biến đổi gen trong điều trị bệnh cho con người.

Kể từ năm 2004, người ta mới chỉ nghiên cứu một vài vật nuôi và thủy sản biến đổi gen chứ chưa áp dụng vào nông nghiệp thương mại. Vì vậy, người ta cũng chỉ giả định rằng động vật biến đổi gen tác động tích cực lên môi trường nhờ sức đề kháng với bệnh tật tốt hơn và sử dụng thuốc kháng sinh ít hơn, còn mặt tiêu cực là do việc biến đổi gien có thể dẫn đến sản lượng vật nuôi rất lớn và vì thế gia tăng ô nhiễm.

Hiệp định quốc tế về sinh vật biến đổi gen

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã giảm bớt một số rào cản đối với thương mại nông nghiệp quốc tế. Một hiệp định WTO phê chuẩn vào năm 1994 đã được thiết lập để các nước nhập khẩu có thể bảo đảm thực phẩm, vật nuôi và cây trồng họ nhập về là an toàn.

Bên cạnh đó, một số hiệp định quốc tế liên quan tới lĩnh vực môi trường cũng đã đề cập đến cây trồng biến đổi gen. Công ước về đa dạng sinh học chủ yếu liên quan đến công tác bảo tồn môi trường thiên nhiên và sử dụng bền vững hệ sinh thái nhưng cũng gồm cả những ảnh hưởng về môi trường của các sinh vật biến đổi gen. Một phần của công ước này là nghị định Cartagen về an toàn sinh học, quy định về việc xuất nhập khẩu cây trồng biến đổi gen.

Hiệp ước bảo vệ thực vật Quốc tế cũng đã được áp dụng để ngăn chặn sự xâm lấn của các loài vật hại ảnh hưởng đến cây trồng. Hiệp ước này đã xác định nguy cơ tiềm tàng liên quan đến sinh vật biến đổi gen, ví dụ như nguy cơ trở thành loài xâm lấn, hay ảnh hưởng lên các loài côn trùng và loài chim có ích.

Vài điều nhìn nhận

Tóm lại, công nghệ sinh học nông nghiệp mang ý nghĩa bổ sung hàm lượng khoa học vào nông nghiệp truyền thống, dùng cho chương trình nhân giống cây trồng đặc biệt, hay giúp cho việc chuyển đổi thông tin gen giữa các sinh vật khác loài mà theo phương pháp truyền thống không thể nhân giống được.

Công nghệ sinh học nông nghiệp có các ảnh hưởng mang tính quốc tế và ngày càng quan trọng đối với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay có xu hướng tập trung vào các loại cây trồng quan trọng với các nước phát triển.

Cho đến nay, các nước đưa vào trồng cây biến đổi gen trên các cánh đồng vẫn chưa có báo cáo về những tổn hại đối với sức khoẻ hay những thiệt hại đáng kể về môi trường. Tuy nhiên, thực tế là người nông dân đang sử dụng thuốc trừ sâu ít hơn hay sử dụng ít các loại thuốc trừ sâu độc hại hơn, làm giảm bớt tổn hại đối với nguồn nước và sức khoẻ của người lao động, để cho các loài côn trùng có ích quay trở lại cánh đồng.

Một số lo ngại liên quan đến sự “chảy máu” gen và sự đề kháng với vật hại đã được nhấn mạnh bằng các kỹ thuật biến đổi gen mới. Tuy nhiên, không quan sát thấy các ảnh hưởng tiêu cực không có nghĩa là chúng không tồn tại. Các nhà khoa học kêu gọi cần có sự đánh giá thận trọng từng trường hợp của mỗi sản phẩm hay quá trình trước khi đem ra bán để nhấn mạnh rằng các lo ngại về an toàn là chính đáng.

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã tuyên bố vào năm 2004 rằng: “Khoa học không thể tuyên bố bất kỳ công nghệ nào là hoàn toàn an toàn cả. Cây trồng biến đổi gen có thể giảm một số nguy cơ về môi trường kết hợp với nông nghiệp truyền thống nhưng cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức mới mà cần phải được nhấn mạnh. Chúng ta sẽ phải quyết định cây trồng biến đổi gen đủ an toàn khi nào và ở đâu.”