Mê Kông: Dòng sông “mẹ”

ThienNhien.Net – Dòng Mê Kông hùng vĩ chảy qua 6 quốc gia thuộc khu vực Châu Á như vẫn tiềm ẩn nhiều bí mật mà người ta muốn khám phá. Mê Kông như một dòng sông “mẹ” nuôi dưỡng những cư dân lưu vực, những hệ sinh thái độc đáo và tạo ra cả những nét văn hóa đặc sắc.

Sông Mê Kông là một trong những dòng sông lớn nhất thế giới bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng (hay cao nguyên Tây Tạng) của Trung Quốc, chảy qua lãnh thổ của các quốc gia Mi-an-ma, Việt Nam, Thái Lan, Cam-pu-chia và Lào. Lưu vực sông Mê Kông là toàn bộ vùng đất bao quanh các dòng chảy và những sông nhánh của sông Mê Kông với tổng diện tích khoảng 795.000km2, tương đương với diện tích của nước Pháp và Đức cộng lại. Sông Mê Kông chảy qua 6 quốc gia khác nhau, vì thế nó mang những đặc trưng riêng biệt của các vùng miền, lãnh thổ địa lý như độ cao, địa hình và bề mặt đất phủ. Mê Kông có tổng chiều dài khoảng 4.800km, có nghĩa nếu di chuyển nhanh với vận tốc 100km/h thì chí ít bạn cũng mất ít nhất 2 ngày mới đi hết dòng sông này.

Lưu vực Mê Kông là một “kho báu” chứa đựng tài nguyên nước và đa dạng sinh học dồi dào, chỉ xếp sau lưu vực sông Amazon. Lưu lượng nước trung bình sông Mê Kông vào khoảng 15.000m3/s. Có ý kiến cho rằng mức lưu lượng này đáp ứng đủ cho tất cả mọi nhu cầu, từ sinh hoạt đến sản xuất cho một cả một đô thị khoảng 100.000 người dân sống thoải mái cả đời.

Không những thế, nó còn nuôi dưỡng những vùng rừng rộng lớn và các khu vực đất ngập nước – nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng và là nơi cư trú cho hàng ngàn loài động thực vật, đặc biệt đem lại nguồn lợi thủy sản cho ngành công nghiệp cá nội địa với giá trị khoảng 2 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, nguồn lợi khoáng sản cũng khá phong phú với quặng thiếc, quặng đồng, quặng sắt, khí gas tự nhiên, kali cacbonat, đá quý và vàng.

Phần hạ lưu sông Mê Kông (bao gồm Căm-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) là nơi cư trú của khoảng 60 triệu người. Có trên 100 các dân tộc thiểu số sống ở ven sông, tạo nên sự đa dạng và phong phú về văn hóa. Phần lớn, các nông dân và ngư dân sinh sống ở lưu vực sông này,  họ được trời “ban” cho một nguồn tài nguyên giàu có, tuy nhiên trên thực tế họ lại rất nghèo, có tới 1/3 dân cư có mức thu nhập dưới 1 USD/1 ngày. Họ cũng là những người kém may mắn hơn các cư dân sống ở ngoài lưu vực khi phải lo chống đỡ với lũ lụt hay các sự thay đổi thất thường của thời tiết.

Những địa danh đặc biệt gắn với dòng Mê Kông

Hồ Tông-lê-sáp (Cam-pu-chia): hay Biển Hồ – theo cách gọi của người Việt Nam, là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Hồ có hệ sinh thái đa dạng phong phú và đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997. Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mê Kông là vai trò điều tiết dòng chảy và lượng nước hồ Tông-lê-sáp. Trong suốt mùa khô (tháng 3 và 4), nước rút khỏi hồ và nhập vào dòng Mê Kông, vào mùa mưa (tháng 4 đến tháng 9), nước từ sông Mê kông lại chảy vào hồ, mực nước trong hồ dâng lên, mở rộng diện tích mặt nước, biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài cá nước ngọt với một sản lượng đáng kể trên thế giới. Ngư nghiệp trên hồ nuôi sống khoảng 3 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cùng 60% lượng chất đạm cho người dân Campuchia.

Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam):  
là một bộ phận của lưu vực sông Mê Kông, có diện tích gần 40.000km2. Đây là một trong những vùng đông dân nhất thế giới, đồng thời cũng là một vựa thóc lớn. Mỗi năm, nơi này cung cấp trên 16 triệu tấn gạo cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, và một lượng lớn hải sản, các loại cây ăn quả…

Sản xuất này có được là nhờ kinh nghiệm tích lũy của người dân địa phương ứng xử với những khó khăn do sự lắng dòng (trầm tích), mặn hóa đất, đặc biệt là lũ lụt. Hằng năm, lũ lụt làm xói mòn châu thổ và “mang theo” rất nhiều cá, trầm tích lòng sông sẽ đem đất bị xói mòn ra xa thượng nguồn hơn. Nếu quản lý thượng nguồn tốt, lũ sẽ được kiểm soát và những thiệt hại do lũ gây ra sẽ được hạn chế tối đa, giúp tiết kiệm hàng triệu đô la. Vào mùa khô, khoảng 50% lượng nước sông ở châu thổ sông Cửu Long là do hồ Tông-lê-sáp bù vào.

Những vực nước sâu: có một vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái sông Mê Kông. Khi mùa khô đến, mực nước trên sông Mê Kông giảm xuống rõ rệt, do vậy cá phải rút về ở những nơi sâu hơn của sông và “tụ tập” ở đó đến mùa lũ sau. Những đàn cá này giúp đảm bảo duy trì tính nguyên vẹn và sức sản xuất của cả hệ thống sông.

Cho đến nay, những đặc điểm của hệ sinh thái vực sâu vẫn còn ít được con người biết đến nhưng vai trò của chúng thì không thể phủ nhận. Đó là một phần tất yếu trong tổng thể hệ sinh thái sông Mê Kông. Đoạn sông từ Kratie tới Stung Treng ở Cam-pu-chia là khu vực phân bố vực sâu quan trọng nhất của sông Mê Kông, với 58 vực sâu được phát hiện. Một số vực còn là nơi cư trú của loài cá heo sông (Orcaella brevirostris).

Nước sông Mê Kông – tiềm năng dồi dào

Nuôi sống hàng triệu người: Hàng năm, những nông dân ở lưu vực sông Mê Kông sản xuất gạo đủ nuôi sống khoảng 300 triệu người, và đáp ứng các nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp. Có khoảng 85% cư dân sống ở lưu vực có việc làm nhờ vào nông – ngư – lâm nghiệp. Thách thức đặt ra cho các nhà lập kế hoạch làm sao để duy trì hoặc cải thiện chất lượng đất trồng trọt, chăn nuôi và đất rừng để phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, những người nông dân đã biết dùng nước sông Mê Kông để tưới tiêu, trồng trọt. Hiện nay, hàng ngàn nông dân trên lưu vực sông đang sản xuất một hoặc hai ba vụ mùa từ việc sử dụng nước sông Mê Kông thông qua 12.500 hệ thống tưới tiêu. Sức hút lợi nhuận ngày nay đang dần khiến người nông dân rời xa việc trồng cấy lúa để chuyển sang nuôi trồng các loại cây, con khác nhưng lợi ích của việc tăng sản lượng thu hoạch và thu nhập hộ gia đình do hệ thống tưới tiêu đem lại (đập thủy lợi, kênh dẫn nước…) lại đối nghịch lại các lợi ích về môi trường, nó gây ra những tác động xấu như sự đổi dòng, cá di cư, mặn hóa đất …

Sông Mê Kông là một trong những “kho cá” lớn nhất thế giới, với hơn 1300 loài.Theo ước tính của các tổ chức bảo tồn, mỗi năm, các cư dân ở lưu vực sông Mê Kông tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn cá. Ngành công nghiệp cá không chỉ đem lại công ăn việc làm cho những người đánh cá mà cả gia đình họ. Ngoài đánh bắt cá, họ có thể làm thuê cả ngày (hoặc nửa buổi) cho các chợ, bán các sản phẩm làm từ cá, các đồ nghề đánh bắt câu cá, tu sửa tàu thuyền và hàng trăm các công việc liên quan khác…

Phát triển thủy điện: Ước tính, có khoảng 30.000MW điện được sản xuất bởi các nhà máy điện ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, và phần lớn là cung cấp điện cho các thành phố, các khu công nghiệp ngoài lưu vực. Tuy nhiên, những con đập đã trở thành một chủ đề tại nhiều cuộc tranh luận lớn trong cuối thập kỷ. Những kế hoạch phát triển đập và thủy điện ồ ạt tại lưu vực sông Mê Kông đang vấp phải sự phản đối và đấu tranh của nhiều người bởi những quan ngại về ảnh hưởng tới xã hội, môi trường mà những con đập này mang lại. Mặc dù Ủy ban sông Mê Kông (MRC) ra đời từ năm 1995 với mục đích thúc đẩy, phối hợp quản lý phát triển tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và an ninh cộng đồng bằng việc triển khai các hoạt động, chiến lược, cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách, song kết quả thực sự chưa hiệu quả.

Giá trị của giao thông thủy: Vào năm 2001, giá trị của giao thông thủy ở vùng hạ lưu sông Mê Kông được ước tính vào khoảng 4,7 tỷ USD. Tại cảng Chiang Sean và Chiang Khong của Thái Lan, giá trị thương mại cao gấp đôi trong một năm. Trong tương lai, với sự phát triển của xã hội và những tiến bộ khoa học mới, giá trị của giao thông thủy trên dòng Mê Kông ước tính sẽ còn tăng cao.

Tạo ra nét đặc trưng về giao thông: Từ hàng ngàn năm nay, sông đã trở thành con đường quen thuộc ở lưu vực Mê Kông. Hơn 1/3 dân số Cam-pu-chia và Lào sống ở ven sông, dài hơn 10km. Có khoảng 25 cảng chính nằm trên sông Mê Kông, không kể 14km bao quanh thác Khone gần biên giới Lào và Cam-pu-chia, các tàu thuyền có thể di chuyển trên hầu hết chiều dài của sông trong vòng 8 tháng/năm. Sau thập kỷ khó khăn và gặp nhiều trở ngại, xáo động, Mạng lưới đường cao tốc Châu Á đã quay trở lại hoạt động và sẽ sớm xây dựng những cây cầu giữa tất cả các thành phố lớn ở lưu vực sông. Hiện nay có 6 cây cầu bắc ngang qua sông Mê Kông hoặc các nhánh sông phụ lớn, và cũng có khoảng 6 dự án xây dựng khác cũng như các kế hoạch mới được thiết lập. 

Đưa mọi người đến gần nhau hơn: Với những cải thiện trong các mối quan hệ thương mại cũng như việc đi lại bằng đường thủy thuận tiện hơn nên số lượng khách du lịch ngày càng tăng. Thiên nhiên tươi đẹp, kỳ vĩ và sự đa dạng về văn hóa của lưu vực sông Mê Kông đã thu hút hàng ngàn du khách và những con số trên cả mong đợi. Các tổ chức lớn như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), ESCAP, UNESCO và Tổ chức kinh tế thế giới (WTO) đã đầu tư và cải thiện sự phát triển của du lịch trong vùng. Mặc dù có nhiều trở ngại, song những kế hoạch và phương thức quản lý tốt làm cho du lịch trở thành một nhân tố căn bản trong việc bảo vệ hệ sinh thái, các di sản và sự phong phú, đa dạng của văn hóa cũng như đem lại nguồn thu nhập ổn định cho cư dân bản địa.