An ninh năng lượng hay an ninh lương thực?

ThienNhien.Net – Con sông Mê Kông chảy qua 6 quốc gia với tổng lượng nước 475 tỉ mét khối hàng năm là nguồn sống của khoảng 60 triệu người dân sống trong lưu vực. Những năm vừa qua, dòng sông mẹ Mê Kông đã chứng kiến nhiều sự đổi thay, đối mặt với nhiều thách thức mới từ sức ép phát triển kinh tế. Đặc biệt, các kế hoạch phát triển đập trên dòng chính của sông Mê Kông đang gây nhiều lo ngại cho tương lai của khu vực. Trong bối cảnh ấy, ngày 03/02/2010, tại Tp. Cần Thơ, diễn đàn “Môi trường và nguồn sống trên sông Mê Kông” với sự tham gia của khoảng 120 đại biểu từ 6 quốc gia trong lưu vực sông đã thảo luận những vấn đề liên quan đến hiện trạng, mối đe dọa, những hệ lụy và cơ hội hợp tác giữa các tổ chức.

Nguồn sống cho triệu người

Con sông xuyên quốc gia này giúp Thái Lan và Việt Nam giữ vai trò là hai nhà cung cấp lúa gạo hàng đầu cho thế giới, bên cạnh việc đảm bảo an ninh lương thực cho hàng chục triệu người. Chưa hết, nguồn cá và các thủy sản khác của sông Mê Kông cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng hàng đầu đối với người dân sống trong lưu vực. 

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 5 triệu hecta, bao gồm 4 triệu hecta ở phía Việt Nam và 1 triệu hecta ở Campuchia. Theo Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cung cấp khoảng 20% lượng gạo xuất khẩu của thế giới.

Theo Tiến sĩ Carl Middleton thuộc Tổ chức Sông ngòi Thế giới, sông Mê Kông cũng như một siêu thị tự nhiên với lượng hàng hóa thủy sản vô cùng phong phú. Hệ sinh thái của dòng sông có tổng lượng nước hàng năm đứng thứ 12 thế giới này có tới hơn 1.500 loài cá, trong đó có hơn 120 loài có giá trị thương mại. Trong khi đó, sông Missisisippi (Mỹ) nổi tiếng với mức độ đa dạng sinh học cao cũng chỉ có 241 loài cá.

Nguồn đạm động vật từ cá cung cấp 60% nhu cầu ở Việt Nam và 79% ở Campuchia. Các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng nguồn đạm từ cá có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực đối với khu vực lưu vực Mê Kông.

Theo các nhà khoa học, lượng cá đánh bắt ở các vùng nước nội địa của khu vực sông Cửu Long, nơi tận cùng hạ nguồn sông Mê Kông, khoảng 190.000 tấn mỗi năm. Trong khi đó, nguồn thủy sản đánh bắt từ tự nhiên được cho là có vai trò quan trọng hơn nhiều so với nuôi trồng thủy sản trong việc giảm nghèo.

Thủy điện có phải là lựa chọn duy nhất?

Cùng với sự bùng nổ của các nền kinh tế trong khu vực, nhu cầu năng lượng cho phát triển ngày càng tăng. Thủy điện được xem là nguồn năng lượng bổ sung để phục vụ cuộc đua tăng trưởng. Theo đó, hàng trăm con đập lớn nhỏ đã và đang nổi lên trên bản đồ dòng chính và các phụ lưu của con sông Mê Kông. Những tác động tiềm tàng từ các con đập đã và đang được xây dựng ở thượng nguồn ở Trung Quốc đến khu vực hạ lưu ở Campuchia có thể dẫn đến nhiều hậu quả, đe dọa đến an ninh môi trường, lương thực và cuộc sống của hàng triệu người nghèo.

Câu hỏi đặt ra là liệu nhu cầu năng lượng mà các chính phủ dự tính đã thực sự chính xác chưa? Liệu có thể có lựa chọn nào khác ngoài xây đập không?

 

Hệ thống đập thủy điện đã và đang được lên kế hoạch xây dựng trên dòng chính và phụ lưu sông Mê Kông. (Ảnh: MRC)

Bà Chuenchom Sangarasri từ tổ chức Palang Thai dẫn chứng trường hợp Thái Lan, theo đó các dự báo về nhu cầu năng lượng được đưa ra quá cao so với thực tế. “Các dự báo đầy tính viễn tưởng nhưng lại nhận được tiền đầu tư thực. Càng đầu tư phát triển điện thì các doanh nghiệp càng được lợi. Họ không có động lực để tiết kiệm năng lượng hoặc đầu tư vào năng lượng mới vì làm vậy sẽ dẫn đến giảm nguồn lợi nhuận”.

Câu chuyện dự báo nhu cầu năng lượng ở Thái Lan cũng đang diễn ra ở một số quốc gia trong khu vực.

Từ phía cộng đồng địa phương và các tổ chức xã hội dân sự, quan điểm về phát triển đập thủy điện hoàn toàn trái ngược. “Chúng ta có thể sống thiếu điện nhưng chúng ta sẽ không thể sống nếu không có lúa và cá”. Đó là thông điệp mà giới nghiên cứu cũng như các nhà hoạt động xã hội, môi trường chia sẻ trong diễn đàn.

Hợp tác và chia sẻ lợi ích của dòng Mê Kông

Ủy hội sông Mê Kông (MRC), được thành lập năm 1957, chỉ có 4 nước trong lưu vực tham gia, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam. Trung Quốc và Miến Điện không tham gia trực tiếp vào MRC mà chỉ đóng vai trò đối tác. Trong những năm vừa qua, MRC bị các tổ chức môi trường trong khu vực chỉ trích kịch liệt do thất bại trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững cho sông Mê Kông và quyền lợi của người dân sống trong lưu vực theo sứ mệnh của MRC.

Các cơ chế hợp tác hiện tại dường như không đủ hiệu quả để đảm bảo lợi ích từ dòng sông Mê Kông thực sự phục vụ lợi ích của người dân và đảm bảo an ninh môi trường về lâu dài. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững và Thích nghi với Biến đổi Khí hậu đặt câu hỏi: “Liệu có thể tăng cường vai trò của MRC để có thể thực thi một cách hiệu quả Hiệp định Mê Kông năm 1995? Hoặc có thể huy động các hệ thống hợp tác đa phương và song phương khác để giải quyết các mâu thuẫn về phát triển trên dòng sông này?”.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ, khai mạc Diễn đàn “Môi trường và nguồn sống trên sông Mê Kông. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Vấn đề hợp tác ở phạm vi khu vực giữa các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức cộng đồng để tăng cường tiếng nói của công chúng cũng được bàn thảo tại diễn đàn.

Trong năm 2009, Chiến dịch Cứu sông Mê Kông đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức và cá nhân trong lưu vực. Hơn 23.000 chữ ký ủng hộ chiến dịch đã được thu thập và gửi lên cho chính phủ các nước. Tuy nhiên, cần có những hành động và cơ chế hợp tác thực sự mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo sự tham gia của người dân cũng như chia sẻ lợi ích một cách hài hòa và công bằng giữa các quốc gia sống chung trên dòng sông Mẹ.

Diễn đàn “Môi trường và nguồn sống trên sông Mê Kông” là một trong những nỗ lực hướng tới mục tiêu đó. Diễn đàn khu vực này do Ủy ban Nhân dân Tp. Cần Thơ, Quỹ Phục hồi Sinh thái và Liên minh Khu vực (TERRA – Thái Lan) và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp tổ chức.