Phát triển bền vững ngành Cao su, gia tăng giá trị xuất khẩu

ThienNhien.Net – Thế mạnh của cây cao su Việt Nam, theo Viện trưởng Viện Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Trí Ngọc, là chất lượng vườn cây tốt, các chính sách đổi mới đã và đang tác động tốt khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, hình thức tổ chức đại điền giúp quản lý thống nhất KHKT làm tăng năng suất, tính cạnh tranh của sản phẩm.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2008 cao su xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở 35 nước với lượng xuất khẩu là 516.038 tấn, trị giá 1,37 tỷ USD. Dự kiến xuất khẩu cao su của Việt Nam cả năm 2008 đạt 780.000 tấn với kim ngạch 1,8 tỷ USD (năm 2007 là 1,4 tỷ USD).

Tuy nhiên hiện nay ngành Công nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su của Việt Nam đang gặp một số khó khăn do diện tích trồng cao su bị hạn chế khoảng 50% diện tích nằm ở vùng khí hậu có nhiều giới hạn, sản phẩm xuất khẩu chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường, công nghiệp sản xuất, chế biến cao su còn yếu, giá trị gia tăng trong sản phẩm từ cao su để xuất khẩu chưa cao. Hiện nay vẫn chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô nên lợi nhuận chưa tương xứng với tiềm năng.

Bên cạnh đó, Hiêp hội cao su Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu sử dụng cao su tự nhiên tụt giảm kéo theo giá cũng giảm mạnh từ tháng 8 đến nay. Điều này khiến cho xu hướng sử dụng cao su tổng hợp từ dầu (chiếm 50%) trở lại làm giảm một phần tiêu thụ cao su thiên nhiên.

Theo Trung tâm thông tin Viện Chính sách Chiến lược nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo giá cao su thế giới sẽ bình ổn trở lại sau suy thoái tài chính. Tuy nhiên giá năm 2009 có thể sẽ thấp hơn 2008 2.645 USD/tấn. Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc dự báo nếu kinh tế thế giới sớm ổn định trở lại, giá cao su có thể tăng trở lại và đạt mức trên 1.500 USD/tấn (giá cao su hiện nay giảm 50%).

Tại Hội thảo đánh giá tác động hội nhập sau 2 năm gia nhập WTO với ngành Cao su Việt Nam, ông Trần Đức Viên, (Trường Đại học Nông nghiệp I) cho rằng, để phát triển bền vững ngành cao su đồng thời đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế thì ngành Cao su Việt Nam cần tái cấu trúc lại sản phẩm và thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu, thị trường theo cơ cấu mặt hàng và theo nhu cầu nhập khẩu của các nước.

Xu hướng tái cấu trúc phát triển thị trường cần lấy hiệu quả kinh tế làm trung tâm với đòn bẩy quyết định là công nghệ chế biến tiên tiến nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cần chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa cho khâu chế biến, bao gồm cả gỗ cao su và mủ cao su. Với giống cao su mủ-gỗ, chu kỳ kinh doanh từ 15-20 năm, trong vòng đời cây có thể cho đến 150 đến 200 ster gỗ cao su tươi, nếu qua chế biến có thể cho từ 12-16 m3 gỗ thành phẩm có giá trị khoảng 15-20 ngàn USD, ông Ngọc cho biết.

Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng cho rằng tiếp tục cải thiện giống cao su năng suất cao, chống chịu với điều kiện khí hậu có nhiều biến đổi như hiện nay kết hợp với áp dụng tiến bộ về kỹ thuật canh tác (tăng mật độ trồng, tỉa thưa lấy gỗ sau 15 năm, sử dụng phân bón chuyên dùng, thảm phủ, quy trình chăm sóc, khai thác tiên tiến theo quy mô công nghiệp) sẽ góp phần tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả kinh tế.