Sự tan rã lớn được báo trước

ThienNhien.Net – Nhà sinh thái học Tim Lowenstein thuộc đại học Birmingham đã khám phá ra một khoáng chất hiếm mà tính chất của nó có thể nói lên nhiều đặc điểm của khí hậu cổ đại. Khám phá này đã giúp đỡ các nhà khí tượng học và mọi người hiểu tốt hơn tình thế của những sinh vật trên trái đất trong 100 năm tới hoặc hơn nữa, khi hiện tượng trái đất ấm lên làm bùng nổ hơi nóng trên toàn cầu và thay đổi hoàn toàn cuộc sống như vốn dĩ họ đã biết.

“Tôi nghĩ rằng trong vòng 100 năm tới trái đất sẽ là 1 nơi hoàn toàn lạ lẫm, 1 nơi mà không phải loài sinh vật nào cũng thích nghi để tồn tại và phát triển được.” – Lowenstein nói – “Loài người luôn có khả năng thích nghi siêu việt nhưng nước giàu sẽ thích nghi tốt hơn nước nghèo. Còn những loài khác sẽ gặp những vấn đề khó khăn hơn nhiều khi ứng phó với những thay đổi của môi trường. Tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức không thể ngờ tới được.”

Lo ngại của Lowenstein không chỉ bắt nguồn từ những suy đoán về những sự kiện tương lai chưa hề có tiền lệ, mà còn từ những khám phá và phân tích các mẫu khoáng sản hình thành từ kỷ nguyên Eocene, thời kỳ trái đất ấm nhất trong vòng 65 triệu năm trở lại đây.

Chất nacohlite, phám phá mới của Lowenstein và đồng nghiệp, là một khoáng chất hiếm màu vàng xanh hoặc nâu, chỉ được hình thành trong những điều kiện môi trường có lượng CO2 rất cao trong không khí. Chính vì vậy, các nhà khoa học có thể sử dụng khám phá này như 1 mốc chuẩn để xem xét những tác động tương tự đến khí hậu của bầu khí quyển có hàm lượng CO2 cao chưa từng thấy như hiện nay.

Cụ thể hơn, khi phân tích nahcolite, người ta nhận thấy rằng hiện tượng trái đất ấm lên xảy ra vào kỷ Eocene trùng khớp với hàm lượng CO2 trong không khí khi đó là 1125 ppm (1 ppm = 1 phần triệu), gấp 3 lần hàm lượng CO2 hiện nay là 380 ppm. Tuy nhiên, 1125 ppm không hẳn là cao hơn nhiều mức chúng ta dự đoán cho 100 năm tới với các giả thiết dựa trên mức tiêu thụ nhiên liệu dự tính được các nhà khoa học chấp nhận rộng rãi.

Do CO2 là chất mang tính quyết định trong quá trình thay đổi khí hậu toàn cầu, sự gia tăng hàm lượng của nó trong khí quyển có thể liên quan trực tiếp đến hiện tượng trái đất ấm lên. Là 1 loại khí nhà kính, CO2 hấp thụ các tia cực tím mà đáng lẽ phải bị phản xạ ra khỏi bầu khí quyển. Điều này góp phần làm tăng nhiệt độ trái đất, làm tan băng ở 2 cực, thay đổi đáng kể mực nước biển và các hình thái thời tiết.

Tuy nhiên, Lowenstein cho rằng sự gia tăng trông thấy của hàm lượng CO2 trong không khí không phải là nguyên nhất duy nhất.

“Giả sử rằng chúng ta đang ở độ tuổi 50, sự thay đổi nồng độ CO2 trong không khí đang diễn ra trong cuộc đời chúng ta lớn hơn bất kì sự thay đổi nào trong vòng nửa triệu năm trở lại đây. Ngay lúc này, chúng ta còn có thể dự đoán được nhịp độ của sự việc. Nhưng sẽ đến những thời điểm, gọi là điểm nút, mà những sự việc không ngờ tới thực sự thay đổi mọi thứ, và bỗng nhiên mực nước biển sẽ thay đổi hay băng ở các cực sẽ tan chảy. Thậm chí một số sự kiện sắp xảy ra còn nguy hiểm hơn nhiều những đổi thay tiêu cực đã diễn ra trong vòng 100 năm qua”.

Là một nhà khoa học, Lowenstein hoàn toàn tin rằng dầu lửa và khí đốt đang sản sinh và thúc đẩy quá trình ấm lên của trái đất, và cùng với sự xuống cấp của môi trường, đe doạ trực tiếp sự sinh tồn và phát triển một số loài sinh vật trên trái đất.

Một số người phản bác lại Lowenstein bằng cách lập luận rằng hiệu ứng nhà kình từng xảy ra trên trái đất là bằng chứng của những biến chuyển khí hậu tự nhiên dù có hay không sự can thiệp của con người. Nhưng ngay cả những lập luận này cũng không thể thay đổi quan điểm của Lowenstein.

Ông cho rằng những suy đoán của mình rất dễ trở thành hiện thực nếu như không có sự thay đổi mạnh mẽ nào trong tư duy và hành động của con người.

“Chẳng bao lâu nữa những dòng sông băng trên núi Kilimanjaro sẽ tan ra. Rất nhiều những dòng sông băng đang bắt đầu biến mất. Tất cả đều phụ thuộc vào lượng nhiên liệu mà chúng ta tiêu thụ. Nếu loài người cứ tiếp tục những gì mà họ đang làm thì chỉ 100 hay 200 năm nữa thôi, lượng CO2 trong không khí sẽ ngang với kỷ nguyên Eocene.”

Như Lowenstein đã chỉ ra, thật khó để dự đoán được nhiệt độ trái đất trong vòng vài thế kỷ tới so với kỷ nguyên Eocene sẽ ra sao, nhưng hiện tượng hiệu ứng nhà kính từng xảy ra trên trái đất trên 50 triệu năm trước là một sự bài học sống động đối với loài người nhắc nhở về những thay đổi trên phạm vi toàn cầu có thể diễn ra.