2020: Cây biến đổi gen chiếm 30 – 50% diện tích trồng trọt

ThienNhien.Net – Nhằm giới thiệu một số vấn đề pháp lý trong việc phát triển công nghệ sinh học hiện đại và quản lý sinh vật biến đổi gen ở Việt Nam, đồng thời đề cập đến những lợi ích mà công nghệ sinh học đem lại, ngày 9/12, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp&PTNT) đã phối hợp với một số đơn vị đồng tổ chức Hội thảo “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp Việt Nam – những vấn đề pháp lý có liên quan”.


Tại Hội thảo, ông Phạm Văn Toản – Chánh văn phòng thường trực Chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã trình bày báo cáo sơ lược về “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà chương trình đặt ra. Cụ thể:

Đến năm 2020, diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học sẽ chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng trọt các giống cây trồng biến đổi gen chiếm 30 – 50%; trên 70% nhu cầu về giống cây sạch bệnh được cung cấp từ công nghiệp vi nhân giống; trên 80% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đáp ứng được cơ bản nhu cầu vắc xin cho vật nuôi.

Diện tích đất trồng cây công nghệ sinh học liên tục tăng trong những năm gần đây, thậm chí tăng đột biến tại các nước đang phát triển ở khu vực châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Kinh nghiệm cho thấy, người nông dân nghèo ở các nước ít tài nguyên hoàn toàn có thể hưởng lợi từ công nghệ này. 

Đặc biệt, công nghệ sinh học nông nghiệp sẽ đóng góp trên 50% thành tựu của khoa học và công nghệ vào sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp và phấn đấu đạt trình độ của nhóm các nước hàng đầu trong khối ASEAN.

Để đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ sinh học nông nghiệp, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển công nghệ sinh học; phối hợp giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả, tác động của khoa học công nghệ trong sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu và mở rộng phạm vi đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ sinh học…