Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp thành trung tâm liên kết kinh tế các nước tiểu vùng sông Mêkông

ThienNhien.Net – Xây dựng các khu trung tâm thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp trở thành đô thị biên giới, khai thác có hiệu quả các điều kiện về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong quá trình giao lưu kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy tác dụng lan tỏa của KKT đối với các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông.

Đó là mục tiêu phát triển KKT cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 166/2008/QĐ-TTg ngày 11/12/2008 về việc điều chỉnh địa giới và ban hành Quy chế hoạt động của KKT.

KKT có diện tích tự nhiên toàn khu vực là 319,36 km2, với 48,7 km đường biên giới, có 2 cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu Thường Phước và Dinh Bà; 5 cửa khẩu phụ gồm: Sở Thượng, Thông Bình, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú; bao gồm 11 xã và 2 thị trấn.

Khuyến khích đầu tư, kinh doanh tại KKT cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh tại KKT trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh phù hợp với Hiệp định vận tải quá cảnh hàng hóa, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, hội chợ triển lãm, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, các cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất nhập khẩu, các chi nhánh đại diện, các công ty trong và ngoài nước, chợ cửa khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng KT – XH, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Ngoài những quyền được hưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh trong KKT được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất theo quy định của pháp luật, phù hợp với mục đích sử dụng đất của dự án đã được đầu tư. Doanh nghiệp hoạt động trong KKT được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam và tại các tổ chức tín dụng nước ngoài theo các quy định của pháp luật.
 
Ưu đãi tối đa đầu tư vào Khu thương mại – công nghiệp

 Các cơ chế chính sách ưu đãi theo Quy chế này kể từ ngày có hiệu lực cũng được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn KKT đối với phần thời gian còn lại.

Tất cả các dự án đầu tư vào Khu thương mại – công nghiệp được hưởng các ưu đãi tối đa áp dụng đối với các địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng và các ưu đãi khác theo điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại đa phương hoặc song phương mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Cụ thể, các dự án đầu tư vào KTM-CN được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa không quá 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tối đa cho 9 năm tiếp theo.

Đối với dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại tối đa là 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa là 7 năm tiếp theo.

Khách du lịch trong và ngoài nước khi vào KTM-CN được phép mua hàng hóa nhập khẩu đưa vào nội địa Việt Nam và được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) với giá trị không quá 500.000 đồng/người/ngày.